Bài hướng dẫn nghiên cứu từ khóa cuối cùng mà bạn cần đọc

Nghiên cứu từ khóa – Keyword research là bước cơ bản đầu tiên của chiến dịch SEO.

Hay cũng có thể nói, nó chính là bước quan trọng nhất.

Nếu không có quy trình nghiên cứu từ khóa thì sẽ không có sự tồn tại của SEO.

Nếu không có từ khóa thì bạn cũng không thể biết được ý định tìm kiếm (search intent) của khách truy cập.

Trong bất kỳ giai đoạn SEO nào, từ khóa luôn là trọng tâm của bài viết hay website.

Do tính phức tạp của nghiên cứu từ khóa nên nhiều người thường chọn bỏ qua bước này. Thay vì nghiên cứu từ khóa một cách kỹ lưỡng, họ “đoán mò” từ khóa rồi tối ưu website cho những từ khóa đó. Rồi vài tháng sau họ thắc mắc tại sao website của mình lại không có ai truy cập.

Vì vậy, là một trong những độc giả thông thái, Bác Sĩ SEO khuyên bạn không nên “đỏ đen” với nghiên cứu từ khóa.

Thay vào đó, hãy đọc và áp dụng các bước hướng dẫn bên dưới để thực hiện nghiên cứu từ khóa một cách chuẩn xác.

Nhưng trước hết, hãy chắc chắn rằng bạn đã biết một chút về SEO.

Nếu chưa thì bạn hãy đọc ngay bài viết này để biết SEO là gì.

Nào, chúng ta cùng tìm hiểu cách nghiên cứu từ khóa.

Thế nào là từ khóa chuẩn SEO?

Một từ khóa chuẩn SEO phải có đủ 3 tiêu chí sau:

  • Mức độ liên quan của từ khóa đối với chủ đề/lĩnh vực của bài viết hay trang web.
  • Có lượng tìm kiếm trung bình hàng tháng đủ cao.
  • Độ khó từ khóa ở mức thấp hoặc vừa phải.

Những từ khóa có đủ 3 tiêu chí trên còn được gọi là winning keywords.

Sau đây là một ví dụ.

Giả sử bạn muốn tạo một trang web với chủ đề chính là “tự học IELTS”.

Trang web của bạn bán các khóa học “hướng dẫn tự học IELTS” và bạn muốn nhiều traffic hơn (nhiều khách truy cập vào website hơn).

Bạn bắt đầu nghiên cứu từ khóa.

Sau khi nghiên cứu từ khóa, bạn tìm được một số từ khóa mà bạn nghĩ là winning keywords, như:

  • ielts
  • luyện ielts tại nhà
  • tự học ielts ở nhà
  • tự học ielts online
  • hướng dẫn tự học ielts

Vì trang web của bạn bán các khóa học về “hướng dẫn tự học IELTS” và người mua khóa học sẽ tự học ielts ở nhà hoặc học online nên bạn nhắm đến các từ khóa như “luyện ielts tại nhà”, “tự học ielts online”,…

Nhưng chúng có đúng là winning keywords?

Chúng ta tạm thời không bàn đến việc những từ khóa trên có phù hợp hay không mà sẽ tập trung vào 2 yếu tố tiếp theo của winning keywords: average monthly searches (lượng tìm kiếm trung bình hàng tháng) và keyword difficulty (độ khó của từ khóa).

Bạn hãy nhìn vào bảng dưới đây.

KeywordMonthly Search VolumeKeyword Difficulty
ielts4050039
luyện ielts tại nhà17051
tự học ielts ở nhà14013
tự học ielts online9054
hướng dẫn tự học ielts3014
Các số liệu trên chỉ được dùng để tham khảo

Từ bảng trên, ta có thể thấy từ khóa “ielts” có lượng tìm kiếm trung bình hàng tháng cao nhất trong các từ khóa, cao gấp 238 lần so với từ khóa “luyện ielts tại nhà”.

Nhưng độ khó của từ khóa “ielts” lại cao gấp 3 lần so với từ khóa “tự học ielts ở nhà”.

Hơn nữa, từ khóa “ielts” cũng không cho chúng ta biết được ý đồ tìm kiếm thật sự của khách truy cập. Họ đang muốn tìm trung tâm IELTS để đăng ký học, mua sách luyện thi IELTS hay làm bài test IELTS online?

Mặc dù có đến 40500 lượt tìm kiếm trung bình hàng tháng nhưng rõ ràng đây không phải là winning keyword.

Thay vào đó, từ khóa “tự học ielts ở nhà” mặc dù chỉ có 140 lượt tìm kiếm, nó lại có độ khó thấp hơn và còn là thấp nhất trong các từ khóa đã được liệt kê ở trên.

Rõ ràng “tự học ielts ở nhà” chính là từ khóa chuẩn SEO mà chúng ta cần tìm.

Đây cũng là thời điểm thích hợp để bàn về khái niệm tiếp theo: long tail keyword.

Long Tail Keyword là gì?

Long tail keyword dịch theo nghĩa đen là “từ khóa đuôi dài”, thường được dùng để nói về các từ khóa có chứa nhiều từ, có lượng tìm kiếm trung bình hàng tháng không nhiều, thậm chí chỉ có vài lượt tìm kiếm hàng tháng, nhưng bù lại có độ khó thấp và mang một ý đồ tìm kiếm cực kỳ cụ thể (specific search intent).

Các từ khóa như “cách tự học ielts cho người mới bắt đầu”, “cách tự học ielts tại nhà hiệu quả”,… có thể được xem là các long tail keywords.

Một số long tail keywords liên quan các chủ đề khác như:

  • Giảm cân:
ví dụ long tail keywords
  • Thiết kế đồ họa:
ví dụ long tail keywords
  • “Homestay đà lạt giá rẻ”:
ví dụ long tail keywords

Để biết vì sao chúng được gọi là long tail keyword, bạn hãy xem biểu đồ bên dưới.

long tail keyword moz
Nguồn: Moz

Đây là biểu đồ thể hiện sự tương quan tỉ lệ nghịch giữa số lượng từ trong một cụm từ khóa và số lần tìm kiếm của từ khóa đó.

Trong đó, khoảng 18.5% trong tổng số từ khóa là các từ khóa “mập” (trong tiếng anh gọi là fat head keywords), tức là các từ khóa ngắn, chỉ bao gồm 1 hoặc 2 từ như: “bóng đá”, “giày”, “thời trang”, “tin tức”, “giá vàng”, “thời tiết”, “game”, “pizza”, “làm đẹp”, “mỹ phẩm”, “nước hoa”, “ô tô”,…

Các từ khóa fat head thường có lượng tìm kiếm rất cao, có thể lên tới hàng triệu lượt tìm kiếm trung bình mỗi tháng. Nhưng cũng chính vì vậy mà chúng có độ khó cực kỳ cao.

Tăng thứ hạng cho trang web của bạn trên Google với các từ khóa fat head gần như là chuyện không thể.

Và bạn cũng khó mà biết được ý đồ tìm kiếm của khách truy cập nếu chỉ dựa vào các từ khóa fat head.

Vì vậy, bạn chỉ nên tập trung vào long tail keywords.

Trong biểu đồ trên, long tail keywords chiếm đến 70% tổng số lượng từ khóa từng được tìm kiếm trên Google.

Từ khóa nào càng nằm về phía bên phải của biểu đồ (nằm về phía “đuôi”), hay nói cách khác là từ khóa nào có số lượng từ càng nhiều thì càng có ít lượt tìm kiếm hơn. Có khi mất cả năm thì các từ khóa nằm ở phần “đuôi” mới được search một lần.

Bạn có biết có đến từ 16% đến 20% tổng số từ khóa được nhập vào Google mỗi ngày là những từ khóa chưa từng có lịch sử tìm kiếm?

Nhưng cũng chính vì từ khóa long tail có nhiều từ và ít lượt tìm kiếm nên chúng thường có độ cạnh tranh dễ thở hơn so với các từ khóa fat head. Từ khóa có nhiều từ cũng sẽ giúp bạn nắm được ý đồ tìm kiếm của khách truy cập một cách cụ thể hơn.

Nếu biết cách chọn lọc từ khóa, tối ưu SEO Onpagetạo ra những nội dung chất lượng để thu hút backlinks thì chắc chắn Google sẽ yêu thích trang web của bạn.

OK, như vậy là bạn đã biết được thế nào là từ khóa chuẩn SEOlong tail keyword.

Tiếp theo, chúng ta sẽ đến với phần quan trọng nhất của bài viết này.

Làm thế nào để nghiên cứu từ khóa?

Bạn đã biết không phải từ khóa nào cũng là winning keyword.

Cùng xem lại định nghĩa về winning keyword một lần nữa:

  • Liên quan đến chủ đề của trang web.
  • Có lượng tìm kiếm trung bình hàng tháng đủ cao.
  • Độ khó từ khóa ở mức thấp hoặc vừa phải.

Câu hỏi được đặt ra lúc này là làm thế nào để nghiên cứu từ khóa.

Sử dụng các công cụ nghiên cứu từ khóa – keyword research tools

Để nghiên cứu từ khóa, bạn có thể sử dụng một trong các công cụ nghiên cứu từ khóa (keyword research tool) dưới đây. Các tool này đều có dữ liệu tìm kiếm cho cả từ khóa tiếng Việt và tiếng Anh.

Nhưng lưu ý, ngoại trừ các công cụ nghiên cứu từ khóa miễn phí mà Google cung cấp cho chúng ta (Google Keyword Planner, Google Trends, Google Search Console, Google Analytics) thì hầu như bạn đều phải trả phí để có thể sử dụng các tính năng nâng cao của các tool nghiên cứu từ khóa không phải của Google (Ahrefs, SEMrush, keywordtool.io,…)

Bạn có thể dùng thử công cụ nghiên cứu từ khóa KWFinder của Mangools hoàn toàn miễn phí trong 10 ngày rồi sau đó quyết định xem có nên nâng cấp lên plan trả phí hay không.

Với công cụ nghiên cứu từ khóa của Moz, bạn sẽ được tặng 10 từ khóa miễn phí khi bạn đăng ký tài khoản. Nếu bạn đã nghiên cứu hết 10 từ khóa thì cứ vào ngày 1 đầu tháng, Moz sẽ reset 10 từ khóa miễn phí để bạn tiếp tục sử dụng. Tất nhiên, chỉ có thể nghiên cứu 10 từ khóa một tháng thì khá là hạn chế, bạn chỉ nên dùng thử với mục đích trải nghiệm là chính.

Ubersuggest cũng cho bạn dùng thử công cụ nghiên cứu từ khóa trong vòng 7 ngày nếu bạn đăng ký tài khoản bằng Gmail.

Hoặc bạn cũng có thể trải nghiệm bộ công cụ nghiên cứu từ khóa của Ahrefs trong vòng 7 ngày chỉ với $7. Ahrefs còn cung cấp cho chúng ta rất nhiều bộ công cụ miễn phí như: Keyword Generator, Keyword Difficulty Checker, Backlink Checker,… Bạn có thể truy cập trang web này để xem một loạt công cụ miễn phí của Ahrefs và tận dụng chúng.

Công cụ nghiên cứu từ khóa là sản phẩm công nghệ phức tạp nên thường có phí khá cao.

Để sử dụng hết mọi tính năng của các công cụ nghiên cứu từ khóa, bạn phải thanh toán theo gói hàng tháng hoặc hàng năm (giống như Netflix).

Bảng dưới đây liệt kê số tiền ít nhất hàng tháng mà bạn phải thanh toán để sử dụng các công cụ nghiên cứu từ khóa.

Công cụ nghiên cứu từ khóaSố tiền ít nhất phải thanh toán hàng háng
SEMrush$119.95 (đóng theo năm $99.95/tháng, $1199/năm)
Ahrefs$99 (đóng theo năm: $82/tháng, $990/năm)
Keyword Tool – keywordtool.io$89 (đóng theo năm: $69/tháng, $828/năm)
KWFinder – Mangools$49 (đóng theo năm: $29.90/tháng, $358.80/năm)
Phí thanh toán hàng tháng của các tool nghiên cứu từ khóa

Chỉ riêng Ubersuggest là cung cấp cho bạn 2 lựa chọn: thanh toán hàng tháng hoặc thanh toán dứt điểm 1 lần. $120 là số tiền ít nhất mà bạn phải bỏ ra để có thể sử dụng cả đời công cụ nghiên cứu từ khóa Ubersuggest. Nếu bạn đang eo hẹp về kinh tế nhưng vẫn muốn sử dụng một tool nghiên cứu từ khóa cao cấp, bạn có thể cân nhắc Ubersuggest. Bạn có thể xem bảng giá của Ubersuggest tại đây.

Nếu chỉ mới tìm hiểu về SEO thì Bác Sĩ SEO khuyên bạn sử dụng công cụ nghiên cứu từ khóa miễn phí KWFinder của Mangools trong 10 ngày để có một cái nhìn khái quát về cách hoạt động của keyword research tool cũng như nắm được các thông số quan trọng của một từ khóa chuẩn SEO.

Sau đó bạn có thể quyết định đầu tư vào công cụ nghiên cứu từ khóa mà bạn ưng ý nhất.

Bằng cách này hay cách khác, bạn hãy chọn cho mình tool phù hợp để bắt đầu nghiên cứu từ khóa.

Bắt đầu nghiên cứu từ khóa

Bước 1: Brainstorming

Giai đoạn đầu tiên của nghiên cứu từ khóa là brainstorming – động não. Động não để tìm ra những từ khóa mà bạn nghĩ là có liên quan đến chủ đề của trang web.

Chúng ta gọi những từ khóa đầu tiên này là seed keywords – từ khóa hạt giống.

Quá trình brainstorming có thể được tiến hành trong một đội nhóm để tìm thêm nhiều seed keywords hơn.

Nhưng bạn cũng không cần phải brainstorm ra quá nhiều từ khóa hạt giống. Bạn chỉ cần 10 – 15 từ khóa hạt giống đầu tiên là đủ.

Và cũng đừng lo nếu bạn làm việc này chỉ có một mình. Bạn hoàn toàn có thể tự mình suy nghĩ ra các seed keywords mà không cần bất kỳ một ai khác.

Quay trở lại ví dụ về trang web với chủ đề “tự học IELTS”.

Bạn muốn bán các khóa học về “hướng dẫn tự học IELTS” theo hình thức online course trên trang web của mình.

Sau đây là một số từ khóa hạt giống để làm ví dụ minh họa website với chủ đề trên.

Seed KeywordsSeed Keywords
tự học ieltstự ôn thi ielts
tự học ielts online tại nhàtự luyện thi ielts
có nên tự học ieltstự học ielts online
lộ trình tự học ieltstự học ielts có được không
tự học ielts như thế nàotự học ielts từ con số 0

Bạn không cần phải quá tỉ mỉ ở giai đoạn này, cứ nghĩ ra từ khóa nào thì note lại từ khóa đó.

Và hãy nhớ lưu lại tất cả từ khóa mà bạn đã nghĩ ra trong Excel hay Google Sheets. (Bác sĩ SEO thích dùng Google Sheets, vì nó miễn phí.)

Rất có thể một trong những từ khóa đó chính là winning keyword, vì vậy đừng bỏ qua bất kỳ từ khóa nào trong giai đoạn này.

Bước 2: Mở rộng danh sách từ khóa

Sau khi đã có một danh sách từ 10 – 15 từ khóa hạt giống đầu tiên, bước tiếp theo là mở rộng danh sách này.

Bạn có thể làm theo 1 trong 2 cách sau.

Mở rông danh sách từ khóa cách 1

Bạn import toàn bộ seed keywords vào công cụ nghiên cứu từ khóa mà bạn đã chọn.

Vì ai cũng có thể sử dụng Google Keyword Planner để nghiên cứu từ khóa miễn phí nên Bác Sĩ SEO sẽ sử dụng công cụ này để làm ví dụ.

Hình bên dưới là giao diện của Google Keyword Planner sau khi bạn nhập các seed keywords vào.

Google Keyword Planner cho phép bạn nhập vào tối đa 10 từ khóa cùng một lúc.

nghiên cứu từ khóa với google keyword planner
GIao diện của Google Keyword Planner

Hãy chắc chắn bạn chọn tiếng Việt là ngôn ngữ mặc định và cài đặt phạm vi tìm kiếm là toàn bộ Việt Nam.

Sau đó, bạn chỉ cần click vào nút “XEM KẾT QUẢ” là Google Keyword Planner sẽ trả về cho bạn hàng trăm ý tưởng từ khóa mới.

Click “TẢI XUỐNG Ý TƯỞNG TỪ KHÓA” và lưu lại trong Excel/Google Sheets để phục vụ cho giai đoạn lọc từ khóa sau này.

nghiên cứu từ khóa với google keyword planner

Quá trình này hoàn toàn tương tự đối với các công cụ nghiên cứu từ khóa khác và có thể được tóm tắt trong 2 bước:

  • Nhập các từ khóa hạt giống vào keyword research tool.
  • Tải xuống các ý tưởng từ khóa mới mà công cụ trả về.

Như vậy chỉ với cách đầu tiên, chúng ta đã tìm thêm được hàng trăm ý tưởng từ khóa lớn nhỏ khác nhau.

Mở rông danh sách từ khóa cách 2

Bạn nhập từng từ khóa hạt giống vào Google để tìm các đối thủ cạnh tranh cho chủ đề trang web/lĩnh vực kinh doanh/dịch vụ của bạn.

Hãy bảo đảm là bạn search Google cho từng từ khóa hạt giống. Sau đó, bạn lưu lại 5 URL đầu tiên trong top 10 kết quả tìm kiếm tự nhiên vào Excel/Google Sheets.

Sau đây là ví dụ cho từ khóa “tự học ielts”.

nghiên cứu đối thủ
Tại thời điểm viết bài này thì đây là top 5 kết quả organic đầu tiên mà Google trả về cho từ khóa “tự học ielts”.

Tiếp tục lặp lại các bước trên cho toàn bộ từ khóa hạt giống mà bạn có.

Sau khi đã thu thập toàn bộ top 5 URLs cho mỗi từ khóa hạt giống, việc tiếp theo bạn cần làm là tìm từ khóa trong các URL đó, bằng cách sử dụng tool nghiên cứu từ khóa.

Mọi công cụ nghiên cứu từ khóa chất lượng đều có khả năng “ói” ra cả trăm, thậm chí là cả ngàn từ khóa cho URL mà bạn cung cấp.

Một lần nữa, Bác Sĩ SEO sẽ sử dụng Google Keyword Planner để làm ví dụ.

Trong Google Keyword Planner, thay vì bắt đầu bằng từ khóa thì bạn chọn “BẮT ĐẦU BẰNG MỘT TRANG WEB”.

Paste URL vào và click XEM KẾT QUẢ

Và đây là kết quả.

Bạn thấy không, Google Keyword Planner đã gợi ý hơn 3000 ý tưởng từ khóa chỉ từ một liên kết URL!

Cũng như cách đầu tiên, bạn nhớ tải chúng xuống và lưu lại toàn bộ từ khóa trong Excel/Google Sheets.

Bạn tiếp tục lặp lại bước trên cho tất cả các liên kết đã thu thập được.

Bạn cũng không cần phải lo lắng về việc có quá nhiều từ khóa hay từ khóa bị trùng lặp. Ở bước tiếp theo chúng ta sẽ thực hiện thao tác lọc từ khóa để tìm winning keywords.

Cách thứ 2 trong bước mở rộng từ khóa có thể được tóm tắt như sau:

  • Nhập từng từ khóa hạt giống vào Google và lưu lại top 5 URLs trong Organic Listings.
  • Sử dụng công cụ nghiên cứu từ khóa để phân tích URL và mở rộng danh sách từ khóa.

Chỉ cần làm theo 1 trong 2 cách hay cả 2 cách trên, bạn sẽ thu được một lượng từ khóa khổng lồ chỉ từ 10 – 15 từ khóa hạt giống đầu tiên.

Bước 3: Lọc từ khóa

Chất lượng bao giờ cũng thắng số lượng.

Từ khóa cũng vậy, không phải từ khóa nào cũng đủ tiêu chuẩn để trở thành winning keyword.

Vì vậy, lọc từ khóa cũng là bước quan trọng không kém trong quá trình nghiên cứu từ khóa.

Ở bước trên, chúng ta đã thu được hàng trăm, hàng nghìn từ khóa.

Việc bây giờ chúng ta cần làm là sàng lọc và tìm ra winning keywords. Nhưng vấn đề là sàng lọc dựa vào tiêu chí nào?

Hãy nhớ lại định nghĩa của winning keyword:

  • Liên quan đến chủ đề của trang web.
  • Có lượng tìm kiếm trung bình hàng tháng đủ cao.
  • Độ khó từ khóa ở mức thấp hoặc vừa phải.
Tiêu chí 1 – Mức độ liên quan

Đầu tiên, chúng ta phải tìm những từ khóa liên quan đến theme – chủ đề của trang web hay bài viết.

Để làm việc này thì không có công cụ nghiên cứu từ khóa nào có thể giúp bạn.

Nó hoàn toàn phụ thuộc vào độ nhạy bén và trực giác của bạn.

Ví dụ về trường hợp trang web liên quan đến chủ đề “tự học ielts” của chúng ta ở trên.

Ngay cả khi từ khóa “ielts” hay “học ielts” có số lượng tìm kiếm áp đảo so với từ khóa “tự học ielts”.

Nhưng rõ ràng từ khóa “tự học ielts” có mức độ liên quan cao nhất trong trường hợp này.

Đây là lúc bạn cần phải tỉnh táo và thật sự suy nghĩ về chủ đề/lĩnh vực kinh doanh/dịch vụ hay bài viết của mình.

Bạn muốn trang web/bài viết của mình nói về cái gì?

Tiêu chí 2 – Lượng tìm kiếm trung bình hàng tháng

Sau khi đã lọc ra các từ khóa có liên quan đến chủ đề của trang web, chúng ta sẽ xét đến tiêu chí tiếp theo là lượng tìm kiếm trung bình hàng tháng của từ khóa đó.

Lọc ra được từ khóa có liên quan là bước cần thiết đầu tiên, nhưng nếu không ai search Google cho từ khóa đó thì chẳng phải bạn đã phí công vô ích sao?

Không có con số ma thuật nào ở đây cả. Mặc dù vậy, Bác Sĩ SEO vẫn khuyên bạn nên chọn những từ khóa có ít nhất là 20 lượt tìm kiếm hàng tháng trở lên.

Tiêu chí 3 – Độ khó từ khóa

Tiêu chí cuối cùng của một từ khóa chuẩn SEO là keyword difficulty – độ khó của từ khóa trong khu vực Organic Listings (top 10 kết quả tìm kiếm Organic).

Thật ra đây là một bước sàng lọc không quá phức tạp.

Các công cụ nghiên cứu từ khóa chất lượng như Ahrefs, keywordtool.io, KWFinder,… đều tích hợp sẵn một cột điểm KD (viết tắt của Keyword Difficulty) để bạn có thể sắp xếp từ khóa theo độ khó từ cao xuống thấp hoặc ngược lại.

Hãy chọn những từ khóa có độ khó thấp hoặc vừa phải để hoàn thiện bước lọc từ khóa.

Một số lưu ý
  • Mỗi công cụ đều có cách tính điểm độ khó từ khóa khác nhau, bạn nên đọc và tìm hiểu kỹ để nắm được cách tính điểm từ khóa của công cụ mà bạn đang sử dụng.
  • Các công cụ nghiên cứu từ khóa miễn phí thường sẽ không tích hợp sẵn chức năng phân tích keyword difficulty, hoặc nếu có thì cũng phần nào bị hạn chế.
  • Google Keyword Planner là một công cụ tuyệt vời để tìm ý tưởng từ khóa mới, nhưng nó lại không phù hợp để nghiên cứu độ khó SEO cho từ khóa (vì Google Keyword Planner là công cụ nghiên cứu từ khóa dành cho những ai muốn quảng cáo website bằng cách trả tiền/đấu thầu cho các từ khóa để được lên top).

Vậy làm sao để kiểm tra độ khó của từ khóa nếu bạn không sử dụng một công cụ nghiên cứu từ khóa trả phí nào?

Bác Sĩ SEO vẫn khuyên bạn nên sử dụng các keyword research tool trả phí để tiết kiệm thời gian và công sức.

Tự mình nghiên cứu độ khó từ khóa không phải là không khả thi. Nhưng nó rất phức tạp và đòi hỏi sự phân tích kỹ lưỡng với độ chính xác cao.

Đó là lý do tại sao các công cụ nghiên cứu từ khóa ra đời để giúp cho quá trình nghiên cứu từ khóa diễn ra một cách trơn tru và dễ dàng hơn.

OK. Sau khi đã xem xét qua 3 tiêu chí trên, thứ mà bạn có bây giờ là một danh sách từ khóa đã qua sàng lọc. Nó giống như thế này.

sàng lọc từ khóa
Sàng lọc và đánh dấu từ khóa

Bạn có thể dùng màu sắc để sàng lọc và đánh dấu từ khóa.

Trong hình ví dụ trên, Bác Sĩ SEO dùng 4 màu để sắp xếp mức độ ưu tiên của từ khóa dựa trên độ khó của nó:

  • Màu đỏ: từ khóa có độ khó ở mức cao, lượng tìm kiếm không nhiều nhưng có liên quan đến chủ đề của trang web. Đây là loại từ khóa mà bạn không nên nhắm vào để SEO website.
  • Màu vàng: từ khóa có độ khó ở mức trung bình, lượng tìm kiếm không nhiều nhưng có liên quan đến chủ đề của trang web.
  • Màu xanh lá cây: từ khóa có độ khó ở mức dễ, lượng tìm kiếm nhiều hoặc ít và có liên quan đến chủ đề của trang web.
  • Màu tím: từ khóa có độ khó ở mức dễ, lượng tìm kiếm nhiều hoặc ít và có mức độ liên quan cao nhất với chủ đề của trang web.

Nhưng nếu chỉ có 3 bước sàng lọc thì vẫn chưa đủ. Bạn phải thực hiện thêm một bước lọc từ khóa nữa thì SEO mới phát huy hiệu quả.

Bước 4: Phân chia từ khóa chính và từ khóa phụ

Phân chia từ khóa chínhtừ khóa phụ là một bước sàng lọc nhiều người thường bỏ qua vào phút chót.

Nhưng thật ra đây là một bước rất quan trọng trước khi bắt đầu cấu trúc chuẩn SEO cho toàn bộ website. Và công đoạn này cũng không có gì quá phức tạp. Đầu tiên bạn chỉ cần nắm được thế nào là từ khóa chính và từ khóa phụ.

Từ khóa chính là những từ khóa có mức độ liên quan cao nhất và lượng tìm kiếm nhiều nhất trong danh sách từ khóa chuẩn SEO đã qua 3 bước sàng lọc phía trên.

Từ khóa phụ là những từ khóa hỗ trợ cho từ khóa chính, giúp các công cụ tìm kiếm hiểu được chủ đề mà trang web đó muốn đề cập. Từ khóa phụ thường có mức độ liên quan như từ khóa chính nhưng lại có lượng tìm kiếm ít hơn.

Bạn sẽ biết cách sử dụng từ khóa chính và từ khóa phụ trong bài hướng dẫn cấu trúc website chuẩn SEO.

Nhưng tại sao phải phân chia từ khóa chính và từ khóa phụ?

Vì một thứ duy nhất: Search intent – ý đồ tìm kiếm của người dùng.

Nếu bạn hiểu được ý đồ tìm kiếm của người dùng thì bạn sẽ hiểu tại sao chúng ta phải phân chia từ khóa chính và từ khóa phụ.

Hãy qua xem qua ví dụ về trang web với chủ đề “tự học IELTS” của chúng ta một lần nữa.

Giả sử bạn muốn viết một bài blog về “hướng dẫn tự học IELTS”.

Bạn chọn ra những từ khóa có liên quan và tất nhiên là đã thông qua các bước sàng lọc ở trên để viết bài blog này.

Đây là hình ảnh minh họa cho cách phân chia từ khóa chính và từ khóa phụ cho bài blog với tiêu đề “Hướng dẫn tự học IELTS”.

phân chia từ khóa chính và từ khóa phụ
Phân chia từ khóa chính và từ khóa phụ

Như bạn có thể thấy, mặc dù từ khóa chính mà chúng ta đang nhắm tới là “hướng dẫn tự học ielts”.

Nhưng khách truy cập không chỉ sử dụng mỗi từ khóa đó để tìm kiếm các bài viết/thông tin có cùng chủ đề.

Một người search Google cho từ khóa “tự học ielts như thế nào”, “cách học ielts tại nhà hiệu quả”,… cũng có cùng ý đồ tìm kiếm với người search từ khóa “hướng dẫn tự học ielts”.

Nếu bạn chỉ tối ưu bài viết cho duy nhất một từ khóa và spam từ khóa đó khắp mọi nơi trong bài viết, bạn đã mắc phải 2 sai lầm nghiêm trọng:

  • Spam từ khóa sẽ khiến Google liệt trang web vào danh sách đen và hạ thứ hạng của nó trong kết quả tìm kiếm.
  • Spam từ khóa sẽ khiến cho lời văn lủng củng, gây bối rối và khó hiểu, tạo ra một trải nghiệm xấu xí cho khách truy cập.

Nếu bạn hiểu được search intent của người dùng, bạn sẽ khéo léo sử dụng các từ khóa chính và từ khóa phụ để tạo ra những nội dung hay và hữu ích mà không cần phải spam từ khóa.

Nếu người dùng thỏa mãn vì trang web của bạn hay và hữu ích, Google cũng sẽ yêu thích và thăng hạng cho trang web của bạn.

Hãy nhớ, chúng ta tạo nội dung cho con người, không phải cho robot.

Vì vậy, đừng bỏ qua bước phân chia từ khóa chính và từ khóa phụ đã nêu trên.

Sau khi đã thực hiện xong, hãy đọc bài viết này để biết cách sử dụng từ khóa chính, từ khóa phụ và cấu trúc website chuẩn SEO từ A đến Z.

Tổng kết

Nếu bạn đã đọc đến đây thì xin chúc mừng!

Bạn đã cơ bản hoàn thành việc nghiên cứu từ khóa.

Ngay lúc này bạn đã có một danh sách từ khóa cực chuẩn SEO và đã sẵn sàng để tiến hành giai đoạn tiếp theo – cấu trúc SEO cho website.

Và đây là những gì mà bạn đã học được từ bài hướng dẫn chi tiết về nghiên cứu từ khóa này:

  • Nắm được vai trò quan trọng của nghiên cứu từ khóa.
  • Hiểu được thế nào là một từ khóa chuẩn SEO.
  • Nắm được khái niệm của winning keyword và long tail keyword.
  • Có hiểu biết cơ bản về các công cụ nghiên cứu từ khóa, đặc biệt là các công cụ nghiên cứu từ khóa có hỗ trợ tiếng Việt và có cơ sở dữ liệu tìm kiếm tại Việt Nam.
  • Biết cách nghiên cứu từ khóa từ A đến Z.

Nhưng…

Quá trình nghiên cứu từ khóa không bao giờ kết thúc.

Bạn sẽ không thể biết được từ khóa nào vô tình trở thành winning keyword trong tương lai.

Ít nhất mỗi tháng 1 lần, hãy kiểm tra lại thông số của các từ khóa trong danh sách mà bạn đã lưu để không bỏ qua bất kỳ từ khóa quan trọng nào.

Mà thực ra từ khóa cũng chỉ là một phương thức giao tiếp giữa người dùng và Google.

Biết được đâu là winning keywords rất quan trọng.

Nhưng winning keywords sẽ không thể phát huy tác dụng nếu như bạn không biết cách sử dụng chúng để tạo ra nội dung cho trang web.

Hãy nhớ rằng: nghiên cứu từ khóa chỉ là bước đầu tiên.

Sử dụng những từ khóa đó để tạo ra nội dung/bài viết hữu ích cho người đọc mới là đích đến cuối cùng của nghiên cứu từ khóa.

Vì vậy, hãy đọc ngay bài viết này để biết cách viết bài chuẩn SEO mà bảo đảm là chưa ai mách nước cho bạn.