Onpage SEO là gì? Hướng dẫn tối ưu Onpage SEO toàn tập

Ok. Bạn sẽ được học mọi thứ liên quan đến Onpage SEO trong bài viết này.

Nhưng hãy chắc chắn là bạn đã biết SEO là gì và biết cách nghiên cứu từ khóa chuẩn SEO.

Tốt, chúng ta vào thẳng vấn đề thôi.

Onpage SEO là gì?

Onpage SEO là tối ưu hóa các trang riêng lẻ trong website để trang web xếp hạng cao hơn trên các công cụ tìm kiếm. Onpage SEO bao gồm tất cả các biện pháp có thể được thực hiện trực tiếp trong trang web để cải thiện vị trí của nó trong trang kết quả tìm kiếm.

Hướng dẫn tối ưu Onpage SEO toàn tập

Title Tag – Tiêu đề

Tiêu đề là thứ quan trọng nhất mà bạn phải tối ưu đầu tiên.

Tiêu đề trang web có 2 loại:

  • Tiêu đề trang (page title)
  • Tiêu đề bài viết (post title)

Để xem được tiêu đề trang hay tiêu đề bài viết của trang web thì bạn hãy làm theo các bước hướng dẫn dưới đây.

Đầu tiên, bấm phím F12 hoặc click chuột phải vào trang web và click vào “Kiểm tra”.

tối ưu onpage seo cho tiêu đề

Ngay khi click vào “Kiểm tra”, Google Chrome hay trình duyệt mà bạn đang sử dụng sẽ trả về một màn hình với rất nhiều dòng chữ và ký tự kỳ quặc.

Đó chính là mã nguồn HTML.

tối ưu onpage seo cho tiêu đề

Đừng sợ, bạn không cần phải học lập trình trong bài viết này. Bạn chỉ đang tìm thẻ tiêu đề của bài viết hay trang web thôi. Hãy bình tĩnh và tiếp tục.

Sau khi đã mở được mã nguồn HTML, thứ tiếp theo mà bạn cần tìm là thẻ <head>.

Bạn sẽ dễ dàng tìm thấy nó ở phần đầu của mã nguồn HTML.

tối ưu onpage seo cho tiêu đề

Bạn có thấy một mũi tên nhỏ ở phía bên trái của thẻ <head> không? Bạn rê chuột và click vào nó.

Nó sẽ tiếp tục xổ ra một loạt những dòng chữ và ký tự kỳ quặc khác.

Đừng hoảng, bạn sắp tìm thấy nó rồi.

Thứ bạn cần tìm bây giờ là thẻ <title> nằm bên trong thẻ <head> đó.

Nó giống như hình bên dưới.

tối ưu onpage seo cho tiêu đề
Title Tag

Thứ bạn thấy chính là Title Tag – Tiêu đề.

Tiêu đề trang (page title) hay tiêu đề bài viết (post title) đều sẽ có thẻ tiêu đề giống y hệt như hình minh họa trên.

Và tiêu đề mà bạn thấy cũng chính là một tiêu đề chuẩn SEO.

Đây là một ví dụ cho tiêu đề chuẩn SEO của bài hướng dẫn nghiên cứu từ khóa.

tối ưu onpage seo cho tiêu đề

Và đây là ví dụ tiếp theo của một tiêu đề chuẩn seo của bài blog cách viết bài chuẩn SEO.

tối ưu onpage seo cho tiêu đề

Nếu bạn viết được một tiêu đề tốt thì bạn đã hoàn thành hơn 50% quá trình tối ưu Onpage SEO rồi.

Vậy làm sao để tối ưu Onpage SEO cho tiêu đề?

Đọc bài viết này để biết công thức của một tiêu đề chuẩn SEO.

Để tóm tắt, một tiêu đề chuẩn SEO cần phải có hai thứ:

  1. Tiêu đề phải thu hút, lôi cuốn người đọc.
  2. Tiêu đề tuân theo luật chơi của Google. 

Và đó là những gì mà Bác Sĩ SEO đã hướng dẫn rất kỹ trong bài viết này.

Header Tag – Thẻ đề mục (tiêu đề phụ)

Header Tag dịch ra tiếng Việt là thẻ đề mục hay tiêu đề phụ, được dùng để hỗ trợ cho tiêu đề chính và phân chia nội dung của trang web/bài viết thành những nội dung nhỏ hơn. Tiêu đề phụ giúp cho công cụ tìm kiếm nhanh chóng hiểu được cấu trúc của một trang web/bài viết cũng như giúp cho người đọc nắm bắt thông tin một cách dễ dàng hơn.

Các header tags mà bạn thường thấy sẽ là h1, h2, h3, h4,…

Đó chính là các tiêu đề phụ.

Ví dụ.

tối ưu onpage seo cho tiêu đề phụ
Tiêu đề H1 trong bài viết
tối ưu onpage seo cho tiêu đề phụ
Thẻ H1 trong mã nguồn HTML
tối ưu onpage seo cho tiêu đề phụ
Tiêu đề H2 trong bài viết
tối ưu onpage seo cho tiêu đề phụ
Thẻ H2 trong mã nguồn HTML

Vậy làm sao để tối ưu Onpage SEO cho các thẻ header tags?

Những bạn mới bắt đầu viết bài cho website thường đưa từ khóa vào trong các tiêu đề phụ bằng mọi cách có thể, ngay cả khi nó không hợp logic, khiến cho câu văn lủng củng hay thậm chí gây khó chịu cho người đọc.

Thật ra việc đưa từ khóa vào trong các tiêu đề phụ là một việc nên làm.

Nhưng hãy chắc chắn rằng các tiêu đề phụ trong trang web/bài viết của bạn vẫn có thể được đọc một cách thuận miệng, hợp logic, giúp dẫn dắt người đọc đi qua từng thành phần của nội dung một cách hợp lý.

Ví dụ, trong bài viết hướng dẫn nghiên cứu từ khóa tối thượng, từ khóa chính mà Bác Sĩ SEO muốn tối ưu cho toàn bộ bài viết là “nghiên cứu từ khóa”.

Nhưng ngoại trừ tiêu đề chính của bài viết ra thì từ khóa này không xuất hiện ở bất kỳ tiêu đề phụ nào khác.

tối ưu onpage seo cho tiêu đề phụ
Các tiêu đề phụ trong bài viết “Hướng dẫn nghiên cứu từ khóa tối thượng”

Nếu cứ spam một từ khóa chính duy nhất vào các tiêu đề phụ thì nó sẽ tạo cảm giác khó chịu cho người đọc, chưa nói đến việc trang web bị Google hạ thứ bậc xếp hạng vì tội spam từ khóa.

Tiêu đề trang (page title) và tiêu đề bài viết (post title) là những nơi bạn bắt buộc phải lồng ghép từ khóa chính vào.

Nhưng đối với các tiêu đề phụ, bạn có quyền không lồng ghép từ khóa vào nếu thấy nó không hợp lý.

Đây cũng là lý do tại sao bạn nên thu thập một bộ từ khóa chínhtừ khóa phụ có cùng chủ đề để đa dạng hóa từ khóa cho website và để không bị phụ thuộc vào một từ khóa chính duy nhất.

Đọc bài viết này để biết từ khóa chính, từ khóa phụ là gì và biết cách nghiên cứu từ khóa từ A đến Z.

Lưu ý.

Nếu bạn để ý ở một số trang web, bạn sẽ không tìm thấy thẻ header H1.

H1 là thẻ có vai trò quan trọng nhất trong các thẻ header tags.

Đa phần, lý do mà bạn không thể tìm thấy là vì ở một số trang web, thẻ Title cũng chính là thẻ H1.

Nếu bạn xài plugin Yoast SEO trong WordPress, bạn sẽ nhận được lời yêu cầu là không nên sử dụng thẻ H1 và thẻ Title trong cùng một bài viết hay trong cùng một trang.

tối ưu onpage seo cho tiêu đề phụ

Làm như vậy sẽ giúp các công cụ tìm kiếm như Google hiểu rõ hơn về chủ đề chính, nội dung của trang web, bài viết trong một tiêu đề duy nhất.

Vì vậy, nếu có thể, bạn hãy sử dụng từ khóa chính của bài viết để tạo ra chỉ một tiêu đề (và đồng thời cũng là thẻ H1 của trang web/bài viết) chuẩn SEO. Rồi sau đó sử dụng thêm các thẻ header tags khác từ H2 trở xuống để dàn trải bố cục nội dung một cách hợp lý.

Và theo Bác Sĩ SEO, bạn chỉ nên giới hạn hoặc phân chia nội dung của trang web đến thẻ H3 hoặc nhỏ nhất là thẻ H4, không nên sử dụng thẻ H5 hay H6.

Mức độ quan trọng của các tiêu đề phụ sẽ giảm dần theo số thẻ.

H2 sẽ có mức độ quan trọng ít hơn một nửa so với thẻ H1.

Thẻ H3 sẽ có mức độ quan trọng ít hơn một nửa so với H2 và cứ tiếp tục như vậy.

Google cũng giống như giáo viên dạy Văn, chỉ cần nhìn sơ qua một số luận điểm trong bài viết của bạn và dựa vào đó để cho điểm toàn bộ bài viết.

Vì vậy, nếu có thể, hãy giới hạn tiêu đề phụ đến thẻ H3 hoặc H4.

Làm như vậy vừa giúp cho Google hiểu được bố cục của trang/bài viết một cách rõ ràng, vừa giúp cho khách truy cập nhanh chóng nắm được những phần nội dung chính mà bạn muốn truyền tải.

Meta Description – Thẻ mô tả

Meta description (meta description tag) còn được gọi là thẻ mô tả, là phần tóm tắt mà khách truy cập tiềm năng sẽ nhìn thấy bên dưới tiêu đề của bài viết hay trang web trong trang kết quả tìm kiếm của Google.

Ví dụ.

Bạn search Google từ khóa “cách nấu chè hạt sen”.

tối ưu onpage seo meta description
Các đoạn mô tả ngắn (meta description) trong trang kết quả tìm kiếm của Google

Bạn để ý sẽ thấy một số từ trong từ khóa “cách nấu chè hạt sen” mà bạn tìm kiếm sẽ được in đậm trong các mô tả ngắn.

Phần mô tả này thường sẽ không xuất hiện trong nội dung của trang web hay bài viết. Phần mô tả (meta description) này chỉ xuất hiện trong trang kết quả tìm kiếm của Google.

Nếu bạn muốn tìm meta description của bài viết ngay trong chính trang web thì bạn cũng phải tìm nó giống như lúc bạn tìm thẻ title.

Đầu tiên, bạn kiểm tra mã nguồn HTML của bài viết.

Sau đó, bạn mở rộng phần tử và tìm thẻ meta description.

Đây là ví dụ về thẻ meta description trong bài hướng dẫn nghiên cứu từ khóa tối thượng của Bác Sĩ SEO.

tối ưu onpage seo meta description
Meta description tag trong mã nguồn HTML

Vậy nên tối ưu meta description như thế nào cho chuẩn Onpage SEO?

Để tối ưu Onpage SEO cho meta description, bạn chỉ cần lồng ghép từ khóa một cách hợp lý và viết khoảng 155 – 160 ký tự là đủ.

Nếu phần mô tả quá dài, Google sẽ tự động cắt bỏ nó và chuyển phần nội dung phía sau thành dấu ba chấm, giống như một số kết quả tìm kiếm “cách nấu chè hạt sen” mà bạn thấy ở phía trên.

Nhưng đây là một lưu ý tiếp theo mà bạn nên biết.

Meta description không phải là yếu tố xếp hạng mà Google dựa vào để đánh giá một trang web.

Meta description được tạo ra để bổ sung thông tin cho khách truy cập cùng với tiêu đề (title) và đường dẫn trang web (URL) trên trang kết quả tìm kiếm.

Chính Google cũng đã khẳng định rằng meta description sẽ không ảnh hưởng đến thứ hạng trang web của bạn.

Nhưng đó chỉ là về mặt lý thuyết.

Thật ra, Bác Sĩ SEO vẫn khuyên bạn nên tối ưu thẻ mô tả bằng cách lồng ghép từ khóa và viết mô tả một cách sáng tạo. Để làm gì?

Để tạo sự tò mò và lôi kéo khách truy cập click vào trang web của bạn, tăng oragnic CTR (organic click-through-rate, tỉ lệ nhấp chuột tự nhiên) cho trang web.

Và nếu nhiều người click vào trang web của bạn, CTR của website tăng lên, lúc đó meta description lại đóng vai trò là yếu tố gián tiếp ảnh hưởng đến thứ hạng của trang web. Vì vậy, đừng bỏ qua “mỏ vàng” này.

Và thêm một lưu ý nữa.

Thậm chí bạn cũng không cần phải thêm mô tả cho bài viết.

Nếu trang web/bài viết của bạn hay, hữu íchtrả lời một cách rõ ràng cho cụm từ khóa được nhập vào thanh tìm kiếm thì Google cũng sẽ tự động viết một meta description cho trang web/bài viết đó.

Nhưng tốt nhất là bạn vẫn nên tự viết mô tả riêng cho trang/bài viết của mình.

Bạn sẽ không bao giờ biết được Google sẽ “chắp vá” phần mô tả cho bài viết của bạn như thế nào đâu.

Thông thường, Google sẽ tìm những từ khóa có liên quan đế truy vấn tìm kiếm được nhập vào để viết meta description. (chính là những chỗ Google in đậm từ khóa). Phần nào không liên quan, Google sẽ bỏ qua và thay bằng dấu ba chấm.

Chính vì vậy mà nó rất khó đọc.

Nó giống như thế này.

tối ưu onpage seo meta description

Vì vậy, nếu muốn nắm quyền kiểm soát phần mô tả bài viết thì bạn hãy tự thân vận động.

Và thêm một lưu ý nữa.

Ngay cả khi bạn đã viết một tóm tắt/mô tả riêng cho bài viết/trang web thì cũng không có gì bảo đảm rằng Google sẽ sử dụng nó để hiển thị trong SERP – trang kết quả tìm kiếm..

Meta description là phần “Google thích, Google làm”. Nếu nó phù hợp thì Google đưa vào.

Nếu Google cảm thấy mô tả của bạn chưa đúng với những gì khách truy cập tìm kiếm thì Google sẽ tự động thay thế toàn bộ mô tả của bạn.

Cho nên bạn cũng không cần quá chú tâm vào tối ưu Onpage SEO cho meta description.

Mục đích tối thượng của thẻ mô tả là để lôi kéo khách truy cập, khách hàng tiềm năng click vào bài viết/trang web của bạn.

Hãy lồng ghép từ khóa (một cách hợp lý) vào trong đoạn mô tả và viết nó một cách thật hấp dẫn để thu hút khách truy cập. Thế là đủ.

Hình ảnh và Alt Tag (thẻ mô tả hình ảnh)

Hình ảnh và alt tag là phần mà Bác Sĩ SEO đã đề cập rất kỹ trong hướng dẫn cách viết bài chuẩn SEO WordPress.

Trong bài viết đó, Bác Sĩ SEO đã chỉ bạn cách tối ưu thuộc tính alt để giúp công cụ tìm kiếm nhanh chóng hiểu được nội dung của hình ảnh.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ bàn thêm về một số kỹ thuật Onpage SEO dành riêng cho hình ảnh.

Và nó cũng rất đơn giản, bạn chỉ cần để ý đến 4 thứ được liệt kê bên dưới.

1. Tối ưu dung lượng hình ảnh

Dung lượng hình ảnh càng lớn thì tốc độ website sẽ càng bị chậm đi.

Và nếu website có tốc độ tải trang quá lâu thì thứ hạng của trang web chắc chắn sẽ bị lung lay.

Chính Google đã khẳng định tốc độ là một trong những yếu tố mà Google dựa vào để xếp hạng một trang web.

Tốc độ tải trang còn đặc biệt quan trọng đối với người dùng điện thoại di động.

Nếu một trang web tải quá lâu, cụ thể là trong 3 giây mà trang web chưa load xong thì đã bị gọi là chậm.

Bạn có thể kiểm tra tốc độ của trang web tại Google PageSpeed Insights hoặc GTMetrix.

Mục tiêu của Google luôn là đưa ra những kết quả tìm kiếm thỏa mãn người dùng.

Tốc độ cũng nằm trong những yếu tố “thỏa mãn” đó. Trang web nào tải nhanh hơn sẽ được Google xếp hạng cao hơn.

hình ảnh là một trong những yếu tố hàng đầu khiến cho tốc độ trang web bị chậm đi một cách đáng kể.

Những tấm ảnh được chỉnh từ file raw, siêu rõ nét, có dung lượng từ 2 MB – 5 MB thì dĩ nhiên là đẹp.

Nhưng cũng chính những tấm hình có dung lượng “to như con voi” ấy lại là thứ giết chết thứ hạng của trang web.

Trang web không phải là Instagram. Vì vậy, hãy tối ưu hình ảnh trong trang web của bạn.

Hãy sử dụng các phần mềm chỉnh sửa ảnh như Photoshop hay các plugin tối ưu hóa hình ảnh như Smush để tối ưu dung lượng cho các tấm ảnh được upload lên trang WordPress của bạn.

Bạn cũng có thể sử dụng web app TinyPNG để tối ưu dung lượng cho hình ảnh hoàn toàn miễn phí.

Tốt nhất là hãy giảm dung lượng của mỗi tấm ảnh xuống chỉ còn bằng hoặc nhỏ hơn 80 KB.

80 KB là con số có thể tạm chấp nhận để cân bằng giữa dung lượng và chất lượng của hình ảnh.

Nếu bạn có thể tối ưu hình ảnh để dung lượng nhỏ hơn nữa thì càng tốt.

Nhưng hãy đảm bảo là ảnh của bạn không bị mờ hay bị vỡ do tối ưu quá đà dẫn đến việc vô tình làm giảm chất lượng hình ảnh xuống quá mức cho phép.

tối ưu onpage seo cho hình ảnh và alt tag
Hình ảnh bị tối ưu quá mức
tối ưu onpage seo cho hình ảnh và alt tag
Hình ảnh được tối ưu vừa phải

Hãy biết cân bằng.

Đuôi file hình ảnh có thể là JPEG hoặc PNG và dài rộng tùy thích.

2. Tối ưu alt tag

Đọc bài viết này để biết alt tag là gì và cách tối ưu thuộc tính alt tag cho hình ảnh.

3.Tối ưu image file name – tên hình ảnh

Những bạn mới làm website thường sẽ tải về và sử dụng những hình ảnh sẵn có trên mạng.

Và có lẽ bạn cũng đã từng thấy những tấm hình có tên giống như thế này.

tối ưu onpage seo

Đừng bao giờ để tên hình ảnh là những ký tự kỳ quặc hay những con số dài ngoằng và khó hiểu.

Để tối ưu cho tên hình ảnh, bạn hãy đặt tên đúng với nội dung của hình ảnh và thêm từ khóa nếu hợp lý.

Tên hình ảnh nên được ghi không dấu và được nối từ bằng các dấu gạch ngang.

Ví dụ.

tối ưu onpage seo cho tên hình ảnh

4. Hình ảnh do chính bạn chụp/tạo ra và chưa bao giờ xuất hiện trên Internet

Thực ra yếu tố này vẫn chưa được xác định là có ảnh hưởng đến Onpage SEO hay không.

Nhưng một tấm hình do bạn tự tạo ra hay tự chụp sẽ có khả năng được xếp hạng cao hơn trên trang tìm kiếm của Google.

Thông thường, những bạn mới bắt đầu tạo nội dung sẽ tải những hình ảnh sẵn có ở trên mạng và đưa chúng vào nội dung của bài viết hay trang web.

Nhưng Google rất thông minh và có thể xác định chính xác đâu là ảnh gốc và đâu là ảnh copy.

Vì vậy, nếu có thể, bạn hãy tự tạo ra hình ảnh/graphics của riêng mình.

Bạn có thể dùng Photoshop, Illustrator, Canva hoặc các phần mềm chỉnh sửa ảnh miễn phí khác để custom lại những tấm ảnh mà bạn đã tải về.

Một tấm ảnh mà bạn tự tạo ra có liên quan đến nội dung của bài viết hay trang web sẽ giúp cho trang web đặc biệt hơn, không bị trùng lặp hình ảnh với những trang web khác.

Tóm tắt tối ưu Onpage SEO cho hình ảnh

Đây là 4 thứ mà bạn cần nhớ để tối ưu Onpage SEO cho hình ảnh: 

  1. Tối ưu dung lượng hình ảnh.
  2. Tối ưu thuộc tính mô tả hình ảnh – alt tag.
  3. Tối ưu tên hình ảnh.
  4. Hình ảnh/graphics do chính bạn tạo ra.

URL

URL là đường dẫn, đường liên kết mà người dùng có thể nhập vào thanh URL (thanh địa chỉ) trên trình duyệt web để đi đến website của bạn.

Ví dụ.

Bài viết này có URL là https://bacsiseo.com/seo-onpage/

Trang chủ của Bác Sĩ SEO có URL là https://bacsiseo.com/

Đó chính là các URL trong một trang web.

Nhưng các ULR trong trang kết quả tìm kiếm của Google thì khác biệt hơn một chút.

tối ưu onpage seo cho url

Đây chính là các URL nhưng đã được Google tối giản thành các đường liên kết breadcrumb.

Breadcrumb cho biết vị trí của trang mà Google hiển thị trong cấu trúc của website đó.

Vậy như thế nào mới là một URL chuẩn SEO?

Công thức của một URL chuẩn seo là:

http(s)://domain-name.top-level-domain/path/

Trong đó:

  • Domain name là tên miền. Ví dụ: bacsiseo.com, nike.com, trangwebcuaban.com,…
  • Top-level Domain – TLD, hay còn gọi là domain extension, là tên miền cấp cao nhất. Ví dụ: bacsiseo.com, timagency.info, tinhte.vn,…
  • Path là đường dẫn tới các trang thành phần trong website. Ví dụ: bacsiseo.com/nghien-cuu-tu-khoa/, bacsiseo.com/tai-nguyen/, ngaocontent.com/mau-content-my-pham-thu-hut/,…

Trong bài viết này, chúng ta sẽ dành sự quan tâm cho phần path (đường dẫn) trong URL vì thường đây là nơi các kỹ thuật tối ưu Onpage SEO có thể phát huy tối đa hiệu quả.

Một URL chuẩn SEO sẽ có 3 tiêu chí sau:

1. URL phải rõ ràng

URL không được chứa các ký tự đặc biệt như “@”, “#”, “$”, “%”, “&”, “|”, “”, “?”, “.html”, “_”,… và ký tự số 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 0.

Một liên kết chuẩn SEO chỉ nên chứa các ký tự bằng chữ, không viết hoa, không dấu và được ngăn cách bởi các dấu gạch ngang.

Ví dụ.

  • https://bacsiseo.com/cau-truc-website-chuan-seo/ là URL chuẩn SEO.
  • https://ielts-fighter.com/tin-tuc/Lo-trinh-hoc-Ielts-online-level-5-0-cho-nguoi-moi-bat-dau_mt1462866581.html là URL không chuẩn SEO.
  • https://copyblogger.com/content-marketing/ là URL chuẩn SEO.

Một liên kết URL rõ ràng cũng sẽ giúp cho nó dễ nhớ hơn và giúp cho khách truy cập tìm thấy trang web một cách dễ dàng hơn.

tối ưu onpage seo cho url
Bạn thấy liên kết nào dễ nhớ hơn?

2. Lồng ghép từ khóa chính vào URL

Đây chính là một trong những best practices đối với đường dẫn trong URL.

Hãy đưa từ khóa chính mà bạn muốn tối ưu cho trang web đó vào URL của nó.

Ví dụ:

  • bacsiseo.com/seo-la-gi/ có từ khóa chính “seo là gì”.
  • bacsiseo.com/seo-onpage/ có từ khóa chính là “seo onpage” và một số từ khóa phụ như “seo onpage là gì”, “hướng dẫn seo onpage”.

Đọc bài hướng dẫn nghiên cứu từ khóa để biết từ khóa chính, từ khóa phụ là gì.

URL có các từ khóa liên quan đến nội dung và cấu trúc trang web sẽ thân thiện hơn với khách truy cập.

Chính Google đã khẳng định điều này.

tối ưu onpage seo cho url
Nguồn: Google

Và nếu trang web của bạn thân thiện với khách truy cập thì chắc chắn Google cũng sẽ để ý đến nó.

Đây là yếu tố gián tiếp ảnh hưởng đến thang điểm SEO của một trang web mà bạn không thể bỏ qua.

3. URL phải ngắn gọn

Nếu có thể, hãy chỉ thêm duy nhất một cụm từ khóa chính vào trong URL của trang web hay nội dung.

Một URL quá dài sẽ khiến cho các công cụ tìm kiếm cảm thấy “bối rối”.

Hãy lược bỏ những từ như “là”, “mà”, “vì”, “thì”, “để”,… 

Hãy đưa từ khóa quan trọng nhất vào trong path của URL và lược bỏ tất cả những gì không cần thiết.

Tóm tắt tối ưu Onpage SEO cho URL

3 tiêu chí tối ưu Onpage SEO cho đường dẫn URL mà bạn phải nhớ:

  • Đường dẫn chỉ nên chứa từ ngữ không dấu và được ngăn cách bởi dấu gạch ngang, không được chứa các ký tự đặc biệt và số.
  • Đưa từ khóa chính của bài viết/trang web vào trong liên kết URL.
  • URL càng ngắn gọn càng tốt.

Cấu trúc website flat và hợp logic

Cấu trúc website flat là chủ đề mà Bác Sĩ SEO đã đề cập rất kỹ trong bài hướng dẫn cấu trúc website chuẩn seo.

Nó có liên quan đến tiêu chí URL phải ngắn gọn và rõ ràng.

Bạn sẽ muốn trang web của bạn có cấu trúc càng flat (phẳng) càng tốt.

Cấu trúc website phẳng và URL ngắn là hai thứ luôn đi đôi với nhau.

Nếu bạn chưa biết cách cấu trúc chuẩn SEO cho website hay WordPress thì hãy đọc bài viết này.

Nội dung chất lượng

Trong bài cách viết bài chuẩn seo, Bác Sĩ SEO cũng đã đề cập đến việc bạn phải tạo ra nội dung, bài viết chất lượng chứ không phải là bài viết hay nội dung dài.

Một bài viết dài có thể là bài viết mà người tạo ra nó có thể cố tình spam từ khóa hoặc viết những điều không liên quan để đánh lừa Google.

Những trang web như vậy cho dù ban đầu được Google xếp hạng cao thì cũng sẽ dần bị thay thế bởi những trang web có nội dung chất lượng hơn. 

Nội dung chất lượng thường là những nội dung, bài viết hữu ích cho khách truy cập và được chia sẻ lại nhiều lần cho dù nó có dài hay không.

Ví dụ.

Bạn search Google cho từ khóa “đi đường quyền là gì”.

Đây là kết quả đầu tiên mà Google trả về.

onpage seo

Chúng ta sẽ sử dụng Word Counter để kiểm tra xem bài viết này có bao nhiêu từ.

onpage seo

Chưa đến 700 từ. Quá ngắn!

Vậy tại sao nó lại nằm trên top?

Vì bài viết này đã trả lời một cách rõ ràng cho từ khóa “đi đường quyền là gì”.

Bạn có để ý trong kết quả tìm kiếm trên, yan.vn có hẳn một phần văn bản mà Google hiện ra để trả lời ngay cho câu hỏi “đi đường quyền là gì” không?

Đó chính là Featured Snippet, dịch ra là đoạn trích nổi bật. Chỉ những nội dung/bài viết nào trả lời một cách rõ ràng, đầy đủ và chi tiết cho truy vấn tìm kiếm của người dùng thì mới được Google “ưu ái” như vậy.

Vì vậy, có thể nói, việc tạo ra nội dung chuẩn SEO không khó.

Cái khó ở đây là làm sao để tạo ra nội dung chất lượng. Và việc tạo ra nội dung chất lượng không phải là chuyện một sớm một chiều.

Nếu bạn muốn mang đến những nội dung, bài viết hữu ích cho khách truy cập thì trước tiên bạn phải có kiến thức về chủ đề đó. Và sau đó, bạn còn phải học thêm cách viết như thế nào để lôi cuốn người đọc.

Để được như vậy, bạn phải học thêm rất nhiều thứ như copywriting, technical writing, creative writing, content marketing, recreational writing,…

Vì vậy, đừng áp lực.

Practice, practice, practice.

Đừng quá lo lắng về việc tạo ra những nội dung thực sự hoàn hảo.

Hãy đưa những gì giá trị nhất vào nội dung của bạn và khách truy cập sẽ cảm ơn bạn vì điều đó.

Liên kết ra ngoài trang và liên kết nội bộ (internal links và external links)

Đọc bài viết này để tìm hiểu thêm về liên kết ra ngoài trang và liên kết nội bộ.

Subdomain

Subdomain là tên miền phụ của domain (tên miền chính), thường là một trang web phụ có nội dung, chủ đề tách biệt với trang web chính.

Công thức của một subdomain là:

http(s)://subdomain.domain-name.top-level-domain/path/

Ví dụ.

bacsiseo.com là tên miền chính – main domain.

hocseomienphi.bacsiseo.com là tên miền phụ – subdomain (lưu ý, đây chỉ là ví dụ, trang web này không có thật).

Sau đây là ví dụ trực quan hơn.

tên miền chính
Đây là tên miền và trang web chính của Traveloka
subdomain
Đây là subdomain (blog.traveloka.com) nói về blog du lịch

Vậy subdomain ảnh hưởng gì đến SEO và SEO Onpage?

Rất nhiều là đằng khác.

Có nên tạo subdomain không?

Không.

Bạn không nên tạo subdomain vì nó không mang lại bất kỳ lợi ích SEO nào cho trang web chính của bạn.

Hãy hiểu như thế này.

Thang điểm SEO mà Google dành cho một trang web bao gồm nhiều yếu tố như điểm domain, điểm url, điểm authority (thẩm quyền), điểm expertise (chuyên môn), điểm backlink, thời gian mà website đó tồn tại,…

Nếu bạn tạo một subdomain từ tên miền chính thì bạn phải tối ưu SEO tất cả lại từ đầu cho toàn bộ trang subdomain đó.

Subdomain cũng có một thang điểm SEO riêng. Và nó sẽ không được hưởng bất kỳ điểm SEO nào từ trang web chính của bạn. Và ngay cả trang web chính cũng không được hưởng lợi gì từ subdomain của chính nó.

Bạn có thể nghĩ trang subdomain và trang main domain là hai trang web hoàn toàn tách biệt.

Vì vậy đừng tạo ra subdomain cho trang chính nếu không thật sự cần thiết.

Một trong những sai lầm mà nhiều bạn mới làm website thường mắc phải là tạo một subdomain riêng cho phần blog hay tin tức trên trang web.

Trang blog thường là điểm đến có giá trị nhất trong một website vì nó cung cấp thông tin và mang lại giá trị cho khách truy cập.

Nếu bạn tạo ra một tên miền phụ, ví dụ blog.trangwebcuaban.com, trang web chính của bạn sẽ không được hưởng một điểm SEO nào từ trang blog đó.

Một lần nữa, Bác Sĩ SEO khuyên bạn không nên tạo subdomain nếu không thật sự cần thiết.

Và cũng đừng nghĩ đến việc “quấy rối” Google bằng cách tạo ra cả trăm tên miền phụ để trỏ liên kết về tên miền chính của bạn.

Đây là một trong những điều cấm kỵ khi cố gắng kéo backlinks bẩn cho website.

Hãy duy trì subdomain nếu bạn có thể đảm bảo mang lại giá trị cho khách truy cập trong trang subdomain đó.

Nhưng ngay cả nếu trang web phụ đó thật sự hữu ích và mang lại giá trị cho khách truy cập thì điều đó chứng tỏ là bạn cũng không bao giờ nên tạo subdomain cho bất kỳ phần nào trên trang web của bạn.

Nó giống như điểm SEO đem đi “cho không” vậy.

Nói tóm lại, đừng quan tâm đến subdomain trừ khi thật sự cần thiết.

Giao thức HTTPS thay vì HTTP

HTTP (HyperText Transfer Protocol) là giao thức truyền tải siêu văn bản, chủ yếu được dùng để truyền thông tin và dữ liệu của trang web từ server chủ (web server) sang máy tính cá nhân (client server).

Cứ mỗi lần bạn truy cập bacsiseo.com là server chủ sẽ tải dữ liệu của trang web từ server sang máy tính của bạn.

Vậy còn HTTPS, HTTPS là gì?

HTTPS (HyperText Transfer Protocol Secure) cũng là giao thức truyền tải siêu văn bản HTTP nhưng đã được thêm một giao thức bảo mật SSL hay TLS để cho phép server và máy client trao đổi thông tin với nhau một cách bảo mật trên Internet.

Thường những trang web liên quan đến thương mại điện tử chắc chắn sẽ có giao thức bảo mật SSL để bảo mật thông tin cá nhân của khách hàng.

Một trang web có chứng chỉ SSL thường sẽ có một icon hình ổ khóa phía bên trái đường dẫn URL.

Nếu không có chứng chỉ SSL thì thường sẽ là icon dấu chấm thang và kèm theo dòng chữ “Không bảo mật”.

trang web có chứng chỉ ssl
Trang web có chứng chỉ SSL
trang web không có chứng chỉ ssl
Trang web không có chứng chỉ SSL

Vậy trang web của bạn có cần chứng chỉ bảo mật SSL không?

Câu trả lời là .

Nhưng điều đó còn tùy thuộc vào loại hình của trang web.

Một trang web có giao thức bảo mật SSL không phải là một yếu tố mà Google dựa vào để xếp hạng một trang web.

Mặc dù SSL không liên quan đến Onpage SEO nhưng nó lại liên quan đến việc gia tăng trải nghiệm người dùng.

Theo Bác Sĩ SEO, bạn vẫn nên trang bị cho website một chứng chỉ SSL để khách truy cập cảm thấy an toàn khi ghé thăm trang web của bạn.

Nếu trang web của bạn chỉ đơn giản là một trang blog hay trang portfolio để showcase cho nhà tuyển dụng thì bạn có thể bỏ qua chứng chỉ SSL này.

Nhưng nếu bạn thật sự nghiêm túc thì đầu tư một giao thức bảo mật SSL cho trang web của mình là một sự đầu tư thông minh.

Một trang web khi được truy cập có hình ổ khóa ở phía bên trái của thanh địa chỉ sẽ được nhìn nhận một cách chuyên nghiệp hơn là một trang web có dòng chữ “Không bảo mật”.

Tổng kết

Phew, quả là một bài viết dài.

Nếu bạn đã đọc đến đây thì xin chúc mừng.

Bạn đã biết mọi thứ về Onpage SEO cũng như biết cách tối ưu Onpage SEO cho mọi trang web rồi.

Bạn nói sao? Dài quá không nhớ nổi ư?

Đây là bản tóm tắt những gì bạn cần nhớ:

  • Tiêu đề là thứ quan trọng nhất trong SEO Onpage, hãy tối ưu nó đầu tiên.
  • Không bắt buộc đưa từ khóa vào tiêu đề phụ nhưng phải có tiêu đề phụ để phân chia nội dung.
  • Tối ưu thẻ mô tả – meta description để thu hút khách truy cập click vào liên kết trang web của bạn trên SERP (search engine result page, trang kết quả tìm kiếm).
  • Tối ưu hình ảnh và thẻ alt.
  • Tối ưu đường dẫn URL.
  • Tạo một trang web có cấu trúc flat và hợp logic.
  • Tạo ra những nội dung chất lượng.
  • Liên kết ra ngoài trang và liên kết nội bộ.
  • Không tạo trang subdomain từ tên miền chính.
  • HTTPS (giao thức bảo mật SSL) giúp cho khách truy cập cảm thấy an toàn khi ghé thăm trang web của bạn.
  • Đừng quan tâm đến meta keywords.

Và như vậy là bạn đã hoàn thành bài học về Onpage SEO.

Vậy giờ bạn nên làm gì tiếp theo?

Đọc bài viết này để biết backlink là gì và cách để nhận được backlink chất lượng một cách tự nhiên.

Hoặc đọc bài viết này để tìm hiểu tất cả những thứ liên quan tới technical SEO.