Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn thêm Local Business Schema vào website WordPress của doanh nghiệp địa phương (local business) mà không cần phải tải plugin. Tất cả những gì bạn cần làm là copy paste (cùng với một xíu chỉnh sửa nhỏ).
Lưu ý
Vì chúng ta sẽ làm việc với code nên trước khi thêm Local Business Schema vào website, bạn nên tạo child theme cho WordPress để tránh trường hợp phát sinh lỗi ngoài ý muốn cũng như dễ dàng “undo” để khắc phục lỗi.
Nếu bạn không biết tạo child theme cho WordPress, hãy đọc bài hướng dẫn này.
Bước 1: Truy cập vào công cụ Structured Data Markup Helper của Google và tạo code schema JSON-LD
JSON-LD là định dạng code Google khuyên dùng để tạo schema cho mọi website.
Đây là đoạn code JSON-LD cơ bản được lấy từ trang chủ json-ld.org.
{
"@context": "https://json-ld.org/contexts/person.jsonld",
"@id": "http://dbpedia.org/resource/John_Lennon",
"name": "John Lennon",
"born": "1940-10-09",
"spouse": "http://dbpedia.org/resource/Cynthia_Lennon"
}
Đừng lo, bạn không cần phải viết một dòng code nào khi làm theo hướng dẫn trong bài viết này. Bạn chỉ cần copy paste code có sẵn của Bác Sĩ SEO và thực hiện những chỉnh sửa nhỏ để thêm Local Business Schema vào website WordPress của doanh nghiệp.
Đầu tiên, bạn truy cập vào công cụ Structured Data Markup Helper của Google để tạo schema theo mẫu code JSON-LD.

Trong mục website, bạn sẽ thấy lựa chọn Local Businesses. Bạn click vào để chọn Local Businesses và thêm url trang chủ của doanh nghiệp ở phần điền bên dưới và cuối cùng là click vào nút Start Tagging để bắt đầu tạo schema (nhớ là để URL, không phải HTML).

Sau khi chờ Google tải xong website, bạn sẽ thấy trang chủ của mình hiện lên cùng với trình đơn My Data Items ở bên phải. Đây là giao diện của trang web ví dụ.

Việc bạn cần làm tiếp theo là tô đen các thông tin cần thiết của doanh nghiệp địa phương. Trong đó, 3 thông tin quan trọng nhất của local business mà bạn phải tô đen và tạo schema markup là:
- Tên doanh nghiệp (Name)
- Số điện thoại bàn của doanh nghiệp (Telephone)
- Địa chỉ (Address)
Ngoài 3 thứ trên ra thì bạn còn có thể tô đen và tạo markup cho một số thông tin khác như: giờ làm việc trong tuần, email, logo/ảnh đại diện doanh nghiệp,…
Sau đây là ví dụ cho các bước để tạo markup cho thông tin tên doanh nghiệp.
Bước 1: Kéo chuột và tô tên doanh nghiệp (phần chữ được tô sẽ có màu vàng)

Bước 2: Chọn thông tin để tạo schema (trong ví dụ trên, loại thông tin mà bạn chọn sẽ là Name)

Sau khi làm theo 2 bước trên, bạn sẽ thấy Google thêm thông tin mà bạn đã chọn vào trình đơn My Data Items ở bên phải.

Và cứ tương tự như vậy, bạn tô đen và thêm hết tất cả những thông tin sẵn có của doanh nghiệp trên website để tạo schema.
Sau khi thêm hết những thông tin có sẵn của doanh nghiệp trên trang chủ, trình đơn My Data Items sẽ giống như ảnh ví dụ bên dưới.

Còn rất nhiều thông tin khác của doanh nghiệp mà bạn có thể thêm vào website để tạo markup, nhưng bạn chỉ cần nhớ tạo markup cho 3 thông tin quan trọng nhất là được (tên doanh nghiệp, số điện thoại bàn của doanh nghiệp, địa chỉ).
Sau khi tạo markup cho những thông tin cần thiết, bạn click vào nút màu đỏ CREATE HTML ở phía trên trình đơn My Data Items để tạo JSON-LD code.

Đây là đoạn code mà bạn sẽ dùng để thêm vào file functions.php của child theme. Click vào nút Download để tải về đoạn mã.
Sau khi tải file chứa đoạn mã về, bạn có thể dùng các phần mềm text editor như Notepad hoặc Visual Studio Code để xem và copy đoạn mã để sử dụng cho bước tiếp theo.

Như vậy là bạn đã hoàn thành bước đầu tiên: tạo local schema business cho trang chủ của doanh nghiệp.
Bước 2: Thêm đoạn mã schema JSON-LD vào file functions.php của child theme
Sau khi tải về đoạn code schema JSON-LD, việc tiếp theo bạn cần làm là copy những dòng code bên dưới và paste vào file functions.php của child theme.
/* Thêm Local Business Schema vào website */
add_action('wp_head', 'bss_local_business_schema');
function bss_local_business_schema() { ?>
/* Dán đoạn mã schema JSON-LD của bạn đè lên dòng này */
<?php }
Nếu bạn chỉ muốn thêm Local Business Schema vào trang chủ của website doanh nghiệp, bạn hãy copy đoạn code sau thay cho đoạn code trên.
/* Thêm Local Business Schema cho trang chủ */
add_action('wp_head', 'bss_local_business_schema');
function bss_local_business_schema() {
if ( is_front_page() ) { ?>
/* Dán đoạn mã schema JSON-LD của bạn đè lên dòng này */
<?php }
}
Sau đó, bạn quay lại tab web lúc nãy hoặc mở file bạn vừa tải về để copy đoạn code schema và paste đè lên dòng chữ “Dán đoạn mã schema JSON-LD của bạn đè lên dòng này”.
Đây là ví dụ.
/* Thêm Local Business Schema cho trang chủ */
add_action('wp_head', 'bss_home_local_business_schema');
function bss_local_business_schema() {
if ( is_front_page() ) { ?>
<!-- JSON-LD markup generated by Google Structured Data Markup Helper. -->
<script type="application/ld+json">
{
"@context" : "http://schema.org",
"@type" : "LocalBusiness",
"name" : "Phụ Tùng Ô Tô Hùng",
"telephone" : "0251 3823 372",
"email" : "[email protected]",
"address" : {
"@type" : "PostalAddress",
"streetAddress" : "57 Hưng Đạo Vương, Phường Trung Dũng",
"addressLocality" : "Biên Hòa",
"addressRegion" : "Đồng Nai",
"postalCode" : "76118"
},
"url" : "https://phutungotohung.com/"
}
</script>
<?php }
}
Sau khi thêm đoạn code trên vào file functions.php của child theme, bạn nhớ bấm nút Cập nhật tập tin để lưu lại thay đổi.

Như vậy là bạn đã thêm Local Business Schema vào website doanh nghiệp địa phương thành công.
Bước 3: Kiểm tra Local Business Schema bằng công cụ Rich Results Test của Google
Khi tạo schema cho website, bạn đã nâng cao cơ hội để Google tìm thấy trang web cũng như giúp Google hiển thị nhiều thông tin của doanh nghiệp hơn mỗi khi có người tìm doanh nghiệp của bạn trên Google.
Khi Google hiển thị nhiều thông tin hơn là tiêu đề trang, url và đoạn tóm tắt meta description, chúng ta gọi đó là Rich Results (cũng có thể gọi là Rich Snippets).
Để kiểm tra đoạn mã Local Business Schema có đủ điều kiện để hiển thị Rich Results, bạn có thể dùng công cụ Rich Results Test của Google.
Bạn chỉ cần dán url trang chủ doanh nghiệp vào để kiểm tra xem trang web có đủ điều kiện để Google hiển thị Rich Results. Khi bạn thấy dòng chữ xanh lá cây Page is eligible for rich results tức là trang web của bạn đã đủ điều kiện.
Đây là ví dụ cho website của doanh nghiệp kinh doanh phụ tùng ô tô phía trên.

Nếu bạn thêm đủ thông tin cần thiết của doanh nghiệp vào schema, bạn còn có thể xem bản xem trước Rich Results của website doanh nghiệp bằng cách click vào nút PREVIEW RESULTS.
Đây là ví dụ.

Như vậy là bạn đã hoàn thành thêm Local Business Schema vào website của doanh nghiệp địa phương.
Hoặc bạn cũng có thể đọc bài viết này để biết cách tối ưu Local SEO cho website doanh nghiệp địa phương.