Website đại diện cho doanh nghiệp nhỏ ở địa phương (local business) thường chỉ bao gồm những trang cơ bản như: trang chủ, trang giới thiệu và trang liên hệ, cao cấp hơn thì có thêm trang cửa hàng để bán hàng online hoặc trang đặt lịch hẹn để cung cấp giá dịch vụ.
Thậm chí có một số website của doanh nghiệp chỉ có duy nhất 1 trang chủ để hiển thị thông tin liên hệ.
Không phải chủ website nào cũng có thời gian và tiền bạc để đầu tư vào content cho trang blog hay trang tin tức trên website, đặc biệt là những trang web đại diện cho doanh nghiệp nhỏ ở địa phương.
Và chưa kể là còn có những loại hình kinh doanh, dịch vụ đặc thù mà dù muốn cũng rất khó để tạo content, đặc biệt là content dạng viết như blog hay long-form content (các bài viết dài và chi tiết về một chủ đề cụ thể nào đó liên quan đến chủ đề hoặc lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ của doanh nghiệp).
Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn tối ưu Local SEO cho website doanh nghiệp địa phương không có trang blog hay trang tin tức bằng cách tận dụng tối đa những thông tin và các trang web sẵn có trong website, đồng thời kết hợp với các công cụ bên ngoài như Google My Business, Facebook,… để tối ưu Local SEO cho doanh nghiệp.
Nếu bạn là chủ website của doanh nghiệp nhỏ ở địa phương (local business), bài viết này sẽ cực kỳ hữu ích cho bạn.
Tạo tài khoản Google My Business cho doanh nghiệp
Cách tối ưu Local SEO hiệu quả nhất cho website doanh nghiệp địa phương chính là tạo tài khoản Google My Business cho doanh nghiệp (hay còn được gọi là tạo local listing).
Google My Business là công cụ mà Google cung cấp cho các doanh nghiệp để các chủ doanh nghiệp xác nhận và tạo sự hiện diện của doanh nghiệp trên Google Maps.
Bạn hoàn toàn có thể tạo tài khoản Google My Business cho doanh nghiệp chỉ bằng nick Gmail mà không cần đến website.
Thậm chí là nếu doanh nghiệp của bạn không có website, khách hàng vẫn có thể tìm thấy doanh nghiệp của bạn trên Google Maps trong khu vực họ sinh sống.
Và để được như vậy thì tất cả những gì bạn cần làm là tạo tài khoản Google My Business cho doanh nghiệp.
Với Google My Business, bạn có thể:
- Tạo doanh nghiệp và xác nhận địa chỉ doanh nghiệp.
- Xác minh quyền sở hữu doanh nghiệp.
- Cung cấp địa chỉ, giờ làm việc và thông tin liên hệ của doanh nghiệp.
- Cập nhật những sản phẩm, hình ảnh sản phẩm và thông tin mới nhất cho khách hàng.
- Biết được giờ nào trong ngày đông khách để phục vụ khách hàng chu đáo hơn.
- Biết được khách hàng đến từ đâu trong Google Maps được tích hợp trong trang quản trị Google My Business.
- Trả lời tin nhắn của khách hàng bằng chức năng nhắn tin của Google My Business.
- Theo dõi báo cáo số lần hiển thị và biết được tổng số hành động của khách hàng khi doanh nghiệp được hiển thị hoặc được tìm kiếm trên Google Maps (hành động như: truy cập trang web, yêu cầu chỉ đường, gọi cho doanh nghiệp,…).
- Nghiên cứu các từ khóa và truy vấn tìm kiếm mà khách hàng thường xuyên sử dụng để tìm kiếm doanh nghiệp của bạn hoặc các doanh nghiệp giống như bạn và tối ưu website cho các từ khóa đó (đúng vậy, Google My Business còn tích hợp cả tính năng lưu lại từ khóa mà khách hàng đã sử dụng).
- Để khách hàng nhận xét và đánh giá sao (star rating) cho doanh nghiệp và trả lời, tiếp thu nhận xét của khách hàng.
Như bạn có thể thấy, với những gì mà Google My Business cung cấp cho doanh nghiệp, việc một số doanh nghiệp không hề có website nhưng khách hàng vẫn tìm thấy doanh nghiệp trên Google là điều dễ hiểu.
Thêm tên, địa chỉ và số điện thoại của doanh nghiệp vào những vị trí dễ thấy nhất trên website (NAP – Name, Address, Phone)
NAP – Name, Address, Phone: đây là 3 thông tin quan trọng nhất mà bất kỳ chủ doanh nghiệp địa phương nào cũng cần phải thêm vào website của mình.
Cách tối ưu nhất là bạn hãy thêm 3 thông tin trên vào website y hệt như thông tin mà bạn đã đăng ký trong Google My Business cho doanh nghiệp. Google sẽ tự động có cách để tìm ra và liên kết website của bạn với local listing trong Google My Business.
2 vị trí tốt nhất để thêm tên, địa chỉ và số điện thoại của doanh nghiệp vào website là phần header và footer của website.
Phần header và footer của website thường sẽ luôn được hiển thị trên mọi trang trong website (trừ khi trang web đó là landing page phục vụ cho chiến dịch marketing).


Nếu bạn xây dựng website với WordPress, bạn hoàn toàn có thể tự thêm NAP vào header và footer của website bằng cách tùy biến theme hoặc sử dụng các widget trong WordPress.
Nếu website của bạn được xây dựng bởi lập trình viên viết web (web developer), bạn có thể yêu cầu họ thêm NAP vào header và footer của website.
Thêm nhận xét của khách hàng vào website (testimonials)
Nhận xét của khách hàng rất có giá trị với doanh nghiệp, đặc biệt là những lời nhận xét tích cực. Bạn có bao giờ ghé vào một quán ăn mà bạn chỉ mới đọc review trên mạng mặc dù chẳng biết ngon dở thế nào?
Nhận xét của khách hàng về doanh nghiệp (testimonials) là mỏ vàng của website để thu hút thêm nhiều khách hàng tiềm năng. Nếu doanh nghiệp của bạn được mọi người yêu thích, bạn hãy thêm nhận xét của khách hàng vào website.
Nếu bạn đã tạo Google My Business cho doanh nghiệp và khách hàng cảm thấy hài lòng về dịch vụ hay sản phẩm của doanh nghiệp, bạn có thể yêu cầu khách hàng đánh giá sao và để lại lời nhận xét cho doanh nghiệp trên Google Maps.
Khi bạn đã thu thập được kha khá lời nhận xét tích cực từ khách hàng, bạn hãy thêm 2 hoặc 3 lời nhận xét tích cực nhất về doanh nghiệp của khách hàng trên website.
Phần nhận xét của khách hàng thường sẽ được thêm vào trang chủ của website, gần với phần footer của trang chủ.
Ảnh bên dưới là ví dụ cho phần nhận xét của khách hàng trong website kinh doanh phụ tùng ô tô phía trên.

Thêm Local Business Schema vào website để tăng khả năng hiển thị bằng Rich Results
Local Business Schema là gì? Local Business Schema là đoạn mã markup JSON-LD chủ yếu được dùng để thêm vào website doanh nghiệp địa phương, giúp Google nhận biết và phân biệt website của doanh nghiệp địa phương một cách nhanh chóng.
Sau khi thêm Local Business Schema vào website của doanh nghiệp địa phương, Google sẽ hiển thị kết quả tìm kiếm của doanh nghiệp một cách chi tiết hơn trong trang kết quả tìm kiếm. Kết quả tìm kiếm được hiển thị một cách chi tiết dựa trên mã Schema được thêm vào website được gọi là Rich Results (hay Rich Snippets).
Rich Results có thể hiển thị thêm một số thông tin khác của doanh nghiệp trong trang kết quả tìm kiếm của Google như: ảnh đại diện doanh nghiệp, địa chỉ, giờ làm việc,… giống như thế này.

Lưu ý: thêm Local Business Schema vào website chỉ làm tăng khả năng hiển thị Rich Results chứ không bảo đảm 100% là Rich Results sẽ luôn được hiển thị cho website đó.
Website của doanh nghiệp có được hiển thị Rich Results hay không, điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào Google.
Tích hợp vị trí của doanh nghiệp trong Google Maps vào trang liên hệ hoặc trang chủ của website
Bạn có thể tích hợp vị trí của doanh nghiệp trong Google Maps vào trang chủ hoặc trang liên hệ của website để giúp khách hàng tìm thấy doanh nghiệp dễ dàng hơn, đặc biệt là nếu doanh nghiệp của bạn có nhiều cơ sở, chi nhánh.
Để thêm vị trí của doanh nghiệp trong Google Maps vào website, bạn hãy làm theo các bước dưới đây.
Đầu tiên, bạn tìm doanh nghiệp của bạn trên Google Maps trên máy tính. Khi tìm thấy, bạn click vào biểu tượng Chia sẻ giống như hình bên dưới.

Sau đó ở giao diện trang chia sẻ, bạn click chọn chữ Nhúng bản đồ và tiếp tục click vào SAO CHÉP HTML để copy đoạn mã thêm vị trí của doanh nghiệp trong Google Maps vào website.

Bây giờ bạn chỉ cần paste đoạn mã HTML đó vào trang chủ hoặc trang liên hệ của website là Google sẽ tự động hiển thị Google Maps và vị trí của doanh nghiệp trong Google Maps trong website.
Nếu website của doanh nghiệp được thiết kế với WordPress, bạn có thể dễ dàng thêm đoạn code HTML của Google Maps vào website bằng trình chỉnh sửa Gutenberg (Gutenberg Editor) hoặc Classic Editor trong WordPress.
Ảnh bên dưới là Google Maps sau khi đã được tích hợp vào website.

Khi tích hợp Google Maps vào website, ngoài việc cho khách hàng biết địa chỉ của doanh nghiệp, bạn còn có thể cho khách hàng thấy điểm đánh giá sao và số lượng bài đánh giá của các khách hàng trước đó ngay trong Google Maps trong website, rất tiện lợi.
Tích hợp Messenger chat của Facebook vào website
Nếu khách hàng thường xuyên liên lạc với doanh nghiệp thông qua Facebook, bạn có thể tích hợp nền tảng live chat Messenger của Facebook vào website để trả lời tin nhắn của khách hàng một cách dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Một doanh nghiệp phản hồi những tin nhắn và thắc mắc của khách hàng một cách nhanh chóng thì Google chắc chắn sẽ để ý đến website của doanh nghiệp đó.
Tối ưu Onpage SEO cho từ khóa mục tiêu của lĩnh vực, danh mục sản phẩm/kinh doanh/dịch vụ của doanh nghiệp
Website nào cũng cần phải được tối ưu Onpage SEO, website của doanh nghiệp địa phương cũng không ngoại lệ.
Đối với web local business, ngoài việc thêm tên, địa chỉ và số điện thoại của doanh nghiệp vào website thì tối ưu Onpage SEO cho các từ khóa mục tiêu của doanh nghiệp cũng là một trong những best practices mà chủ website doanh nghiệp nào cũng cần phải thực hiện.
Bạn có thể đọc bài viết này để biết cách tối ưu SEO Onpage cho website từ A đến Z.
Tối ưu tốc độ cho website
Tốc độ là yếu tố xếp hạng cực kỳ quan trọng của bất kỳ website nào. Điều đó càng đúng cho website của doanh nghiệp địa phương hoặc web bán hàng online.
Chỉ cần website load chậm hơn 2 giây là khách hàng tiềm năng đã có thể rời bỏ website của bạn và click vào kết quả tìm kiếm khác trong Google.
Còn gì đáng buồn hơn việc bạn đã bỏ lỡ một khách hàng tiềm năng chỉ vì website của bạn tải chậm hơn 1 giây so với website của đối thủ?
Vì vậy, nếu muốn giữ chân khách hàng trong website, hãy chắc chắn là tốc độ của website đã được tối ưu hết mức có thể.
Bác Sĩ SEO bị ám ảnh bởi tốc độ của website, đặc biệt là tốc độ của website WordPress, nên đã viết một bài hướng dẫn tối ưu tốc độ cho website WordPress cực kỳ chi tiết tại đây, bạn có thể đọc nó để biết những cách tăng tốc WordPress thật sự hiệu quả.
Nếu website của doanh nghiệp có nhiều hình ảnh, bạn có thể đọc bài viết này để biết cách tối ưu dung lượng ảnh một cách tối đa cho website WordPress mà vẫn không làm giảm chất lượng ảnh.
Nếu bạn muốn biết website của mình đã được tối ưu tốc độ hay chưa, bạn có thể đọc bài viết này để tìm hiểu thêm về Core Web Vitals và nắm được các chỉ số liên quan đến tốc độ của website trong Core Web Vitals.
Kết nối với khách hàng thông qua các nền tảng mạng xã hội
Bên cạnh website, doanh nghiệp còn có thể tận dụng các kênh social media (Facebook, Instagram, Linkedin, Pinterest, TikTok…) để tăng mức độ nhận diện thương hiệu cũng như mức độ tương tác giữa doanh nghiệp và khách hàng tiềm năng.
Mặc dù việc sử dụng các nền tảng mạng xã hội không trực tiếp ảnh hưởng đến SEO của website doanh nghiệp địa phương, nó vẫn mang lợi một số lợi ích nhất định như:
- Đăng content trong social media để thường xuyên kết nối, tạo mối quan hệ gần gũi với người theo dõi (followers) và khách hàng tiềm năng.
- Viral marketing tận dụng lượng người dùng cực lớn trong các nền tảng mạng xã hội (đặc biệt là Facebook).
- Xây dựng các chiến dịch social media marketing.
- Chạy quảng cáo trong các nền tảng mạng xã hội để thu hút nhiều lượt truy cập vào website hơn (gián tiếp ảnh hưởng đến SEO).
- Chuyển đổi followers trong các nền tảng mạng xã hội thành traffic vào website.
Ngoài ra, sau khi tạo trang đại diện cho doanh nghiệp, bạn còn có thể liên kết chéo từ website của doanh nghiệp sang các nền tảng mạng xã hội và ngược lại.
Bạn có thể thêm icon của Facebook, Instagram hay Linkedin vào header hoặc footer của website để dẫn khách truy cập đến trang mạng xã hội của doanh nghiệp.
Ngược lại, bạn cũng có thể thêm liên kết dẫn đến website của doanh nghiệp trong phần giới thiệu doanh nghiệp trên các nền tảng mạng xã hội.
Sự hiện diện của doanh nghiệp ở các nền tảng mạng xã hội có thể làm cho khách truy cập cảm thấy “nhẹ nhõm” hơn khi biết được họ có thể sử dụng các nền tảng mạng xã hội quen thuộc để liên lạc với doanh nghiệp bất cứ lúc nào, không nhất thiết phải truy cập vào website.
Đây cũng là lợi ích về mặt “tâm lý khách hàng” mà các nền tảng mạng xã hội mang lại cho doanh nghiệp.
Tổng kết
Tối ưu SEO cho website doanh nghiệp địa phương (local SEO) không chỉ đơn giản là tìm từ khóa nào phù hợp rồi spam nó vào website, mà là tổng hợp của rất nhiều thứ ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách truy cập, bao gồm:
- Cung cấp những thông tin quan trọng của doanh nghiệp cho khách truy cập trong website (NAP – Name, Address, Phone – tên, địa chỉ và số điện thoại của doanh nghiệp).
- Tạo sự an tâm cho khách hàng bằng những lời nhận xét tích cực, bằng sự hiện diện của doanh nghiệp trong các nền tảng mạng xã hội và trên Google Maps.
- Tạo dựng hình ảnh chuyên nghiệp bằng cách tối ưu trải nghiệm người dùng cho website (tốc độ tải trang, thời gian phản hồi tin nhắn,…)
- Kết nối và tạo dựng mối quan hệ với cộng đồng người theo dõi trong các nền tảng mảng xã hội và biến họ thành khách hàng tiềm năng.
Chỉ cần làm như là vậy bạn đã tối ưu Local SEO thành công. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về SEO, bạn có thể đọc các bài viết sau: