Hướng dẫn tối ưu SEO cho trang sản phẩm (WooCommerce)

WooCommerce là plugin biến nền tảng viết blog cơ bản của WordPress thành một trang thương mại điện tử hoàn chỉnh.

Tất cả những gì bạn cần làm là tải và kích hoạt WooCommerce, thiết lập cài đặt, đăng sản phẩm lên bán, thêm mô tả sản phẩm và điều chỉnh giá tiền là bạn có thể bán bất cứ thứ gì, giống như thế này.

tối ưu seo web bán hàng online
Trang sản phẩm ví dụ cho web bán hàng online sử dụng plugin WooCommerce trong WordPress

Nhưng khác với một cửa hàng bán lẻ được khai trương rình rang ở ngoài đường, hầu như sẽ chẳng có ai biết đến cửa hàng online của bạn nếu bạn không chi tiền để quảng cáo nó trên Facebook hay Google.

Nhưng bạn cũng không thể quảng cáo cả đời được, nhất là khi ngân sách hạn hẹp hoặc tồi tệ hơn là chạy quảng cáo nhưng không ra đơn.

Chưa kể đến việc hàng năm bạn phải bỏ ra một số khoản phí nhất định như tiền hosting, tiền duy trí tên miền, tiền duy trì phần mềm bán hàng,…

Đó là lý do tại sao bạn phải nghĩ đến việc tối ưu SEO cho trang sản phẩm trong web bán hàng online của mình ngay từ khi bắt đầu. Và đó là những gì mà bài viết này sẽ hướng dẫn bên dưới.

Tại sao phải tối ưu SEO cho trang sản phẩm?

Nếu bạn muốn mua một sản phẩm nào đó, bạn có thể đi đến cửa hàng để tận mắt nhìn thấy và tận tay trải nghiệm sản phẩm. Nhân viên bán hàng sẽ luôn ở cạnh bạn để hỗ trợ và trả lời các câu hỏi của bạn.

Giả sử một ngày, cửa hàng đó biến mất và thông báo rằng: “Chúng tôi sẽ chuyển sang bán hàng online trên website”.

Nếu bạn là một khách hàng chưa từng biết đến cửa hàng đó, bạn sẽ quyết định mua hàng trên website như thế nào nếu không có nhân viên tư vấn và bạn cũng không được trải nghiệm sản phẩm tận tay?

Có 2 khả năng sẽ xảy ra:

  1. Bạn sẽ đi tìm hiểu tất cả những thứ mà bạn có thể biết về web báng hàng online đó từ trang giới thiệu, trang chủ, trang thông tin,… cho đến trang sản phẩm, mô tả sản phẩm, hình ảnh sản phẩm,… và mọi thứ khác mà bạn muốn biết để bạn biết chắc rằng đây là một trang bán hàng online uy tín. Bạn cũng có thể bỏ ra thêm 1 hoặc 2 ngày nữa để tìm hiểu về sản phẩm, so sánh giá cả hay cân nhắc xem có nên mua hay không.
  2. Bạn không mua.

Nếu đặt mình trong cương vị khách hàng, bạn hãy hỏi: “Tại sao tôi phải mua hàng từ trang web này trong khi tôi có thể mua nó từ một cửa hàng vật lý khác, với đầy đủ nhân viên tư vấn mà còn được trải nghiệm sản phẩm tận tay?”.

Chỉ có một cách duy nhất để bạn có thể thuyết phục khách hàng mua hàng từ trang bán hàng online, đó là tối ưu SEO cho trang sản phẩm trong web bán hàng online, lấy trải nghiệm người dùng làm tiêu chí hàng đầu.

Đầu tư hình ảnh cho sản phẩm

Nếu khách hàng không thể tận tay trải nghiệm sản phẩm thì ít nhất họ cũng phải được nhìn thấy mọi ngóc ngách của sản phẩm.

Bạn sẽ muốn tất cả ảnh sản phẩm trong trang web là những hình ảnh được đầu tư và chỉnh sửa đẹp đẽ, sáng sủa nhất có thể.

Tối ưu SEO cho hình ảnh sản phẩm không hề khó, bạn chỉ cần thêm alt tag vào hình ảnh và tối ưu dung lượng cho hình ảnh là xong (bạn có thể đọc bài viết này để biết alt tag là gì cũng như biết cách tối ưu alt tag hoặc đọc bài viết này để biết cách tối ưu dung lượng hình ảnh hàng loạt cho WordPress).

Cái khó là làm sao để tạo ra những hình ảnh thật sự chất lượng cho sản phẩm để khách hàng có thể nhìn ngắm chúng thật kỹ lưỡng trước khi ra quyết định mua hàng.

Bạn không nên tiết kiệm chi phí cho hình ảnh sản phẩm vì nó chính là thứ quyết định sự thành bại của một trang web bán hàng online.

Hơn 80% các quyết định mua hàng đến từ những hình ảnh sản phẩm bắt mắt, được đầu tư thiết kế tỉ mỉ.

Bạn có thể thuê một thợ chụp ảnh kiêm chỉnh sửa ảnh chuyên nghiệp để chụp và chỉnh sửa ảnh sản phẩm thay cho bạn.

Hoặc nếu bạn có một chút kiến thức về nhiếp ảnh và biết chỉnh sửa ảnh bằng các phần mềm như Photoshop hay Canva thì bạn cũng có thể tự mình thiết kế ảnh sản phẩm cho web.

Sau đây là một số điều mà bạn nên làm để tối ưu SEO cho hình ảnh sản phẩm:

  • Hình ảnh sản phẩm phải cực kỳ rõ ràng, được thiết kế và chỉnh sửa bắt mắt, mô tả đúng với sản phẩm ngoài đời thật.
  • Đăng ảnh chụp nhiều mặt, nhiều góc cạnh của sản phẩm nhất có thể.
  • Không chụp chung sản phẩm này với sản phẩm khác (trừ khi hai sản phẩm đó thật sự bổ sung cho nhau).
  • Không chụp và không đăng ảnh sản phẩm trong môi trường quá tối hoặc quá sáng.
  • Tối ưu dung lượng hình ảnh để tăng tốc độ tải trang.
  • Thêm alt tag vào hình để tối ưu SEO cho hình ảnh.

Tối ưu Onpage SEO cho trang sản phẩm

Cũng giống như tối ưu Onpage SEO cho bài viết hay bất cứ trang nào trong website, trang sản phẩm cũng phải được tối ưu Onpage dựa trên chuẩn được định sẵn, bao gồm:

  • Tên sản phẩm (và thường cũng chính là meta title)
  • Thẻ mô tả (meta description)
  • URL sản phẩm
  • Thêm alt tag vào ảnh sản phẩm
  • Tối ưu dung lượng ảnh sản phẩm
  • Chứng chỉ SSL – HTTPS

Tất cả những điều trên đã được Bác Sĩ SEO hướng dẫn cực kỳ chi tiết trong bài viết này.

Cung cấp mô tả và thông số kỹ thuật chi tiết của sản phẩm

Cũng cùng với lý do khách hàng không thể chạm vào sản phẩm mà chỉ có thể dùng mắt để ra quyết định mua hàng, bạn sẽ muốn cung cấp thật nhiều thông tin về sản phẩm cho khách hàng nhất có thể.

Đối với trang WordPress sử dụng plugin WooCommerce để bán hàng, trong trang sản phẩm, bạn có thể thêm thông tin và thông số của sản phẩm vào 3 vị trí sau để cung cấp toàn bộ thông tin của sản phẩm cho khách hàng.

1. Mô tả ngắn của sản phẩm.

thêm mô tả ngắn cho sản phẩm woocommerce

2. Mô tả chi tiết của sản phẩm.

thêm mô tả chi tiết cho sản phẩm woocommerce

3. Thông số kỹ thuật chi tiết của sản phẩm.

thêm thông số kỹ thuật và thuộc tính sản phẩm woocommerce

Khi nhập thông tin vào mô tả sản phẩm, bạn có thể sử dụng từ khóa để tối ưu mô tả sản phẩm nhưng cũng không cần tối ưu quá đà. Thậm chí bạn cũng có thể không cần sử dụng từ khóa để nhập vào mô tả sản phẩm.

Bạn hãy lấy tiêu chí viết mô tả sản phẩm để giúp khách hàng hiểu rõ về sản phẩm, đừng viết mô tả sản phẩm chỉ vì chăm chăm cho một mục đích duy nhất là tối ưu SEO.

Hiển thị bình luận và đánh giá của khách hàng trong trang sản phẩm

Với mỗi khách hàng mua sản phẩm thành công, bạn có thể yêu cầu khách hàng để lại nhận xét và đánh giá cho sản phẩm.

Đánh giá của khách hàng (testimonials) chính là tài sản quý báu của một trang bán hàng online. Chính những lời nhận xét và đánh giá tích cực đó sẽ tiếp tục lôi kéo các khách hàng khác đến mua hàng trong trang web của bạn.

nhận xét và đánh giá của khách hàng về sản phẩm

Có một sự thật mà bạn cần biết: con người mua hàng từ con người.

Rất hiếm khi chúng ta mua hàng từ lời chào hàng của các doanh nghiệp hay từ các chiến dịch marketing, quảng cáo,… trừ khi đó là những thứ thật sự cần thiết.

Nó cũng giống như việc một người bạn giới thiệu cho bạn một cửa hàng nào đó để bạn đến mua hàng. Khả năng cao là sau khi được giới thiệu, nếu bạn muốn mua một sản phẩm nào đó và sản phẩm đó có trong cửa hàng mà người bạn của bạn giới thiệu, dù không biết sẽ mua hay không, bạn vẫn sẽ chọn đi đến cửa hàng đó đầu tiên.

Vì vậy, hãy tận dụng những lời bình luận và đánh giá của khách hàng để tiếp tục thu hút thêm khách hàng vào trang sản phẩm của bạn.

Và bạn cũng không cần quá lo lắng nếu như có sự xuất hiện của bình luận hoặc đánh giá tiêu cực đến từ một khách hàng cụ thể nào đó.

Nhận xét và đánh giá tiêu cực có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau như:

  • Sản phẩm không đúng với hình ảnh
  • Chất lượng sản phẩm không thật sự tốt
  • Giá cả không hợp lý
  • Không có phương thức thanh toán yêu thích của khách hàng
  • Không có hình thức giao hàng phù hợp
  • Giao hàng quá lâu
  • Giao nhầm sản phẩm
  • Khách hàng chỉ đơn giản là không thích (đúng vậy, nguyên nhân này có thể khiến bạn ngạc nhiên nhưng nó cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các đánh giá và nhận xét tiêu cực trong cửa hàng của bạn)

Ngoại trừ 2 nguyên nhân đầu tiên đến từ bản thân sản phẩm, các nguyên nhân còn lại (có khả năng gây ra các nhận xét tiêu cực) thì bạn đều có thể quản lý chúng bằng cách tương tác với khách hàng thông qua bình luận, nhắn tin hoặc gọi điện để hỗ trợ khách hàng.

Đây chính là lúc mà bộ phận chăm sóc khách hàng phát huy tác dụng. Hãy giải đáp mọi câu hỏi, mọi thắc mắc và phàn nàn của khách hàng một cách chi tiết nhất có thể.

Nếu khách hàng chưa vừa ý ở điểm nào của sản phẩm, bạn hãy ghi chú lại và sử dụng những bình luận “chưa vừa ý” đó để cải thiện sản phẩm trong tương lai. Cùng lúc đó, bạn có thể “hối lộ” cho khách hàng một coupon giảm giá để họ có thể lựa chọn sản phẩm khác trong cửa hàng của bạn.

Đối với những khách hàng hay lo lắng sợ sệt khi mua hàng online, bạn có thể áp dụng hình thức đổi trả trong một khoảng thời gian nhất định nếu sản phẩm không giống với hình ảnh. Bạn cũng có thể gửi email hoặc tích hợp thêm tính năng chuyên biệt để thông báo tình trạng đơn hàng cho khách hàng (tiếp nhận, đang đóng gói, đang giao hàng,…).

Đối với những khách hàng chỉ đơn giản là không thích sản phẩm của bạn (với điều kiện là chất lượng sản phẩm phải thật sự tốt), bạn có thể bỏ qua họ và tập trung sức lực vào chăm sóc các khách hàng tiềm năng khác.

Bất kỳ doanh nghiệp nào hay cửa hàng nào cũng có người yêu và kẻ ghét, thay vì tập trung giải quyết những thứ mà bạn không thể quản lý như nhận xét tiêu cực đến từ một khách hàng không hề thích bạn hay doanh nghiệp của bạn, bạn hãy chỉ tập trung vào cải thiện chất lượng sản phẩm cũng như cải tiến bộ phận chăm sóc khách hàng để sẵn sàng chào đón các khách hàng khác tốt hơn trong tương lai.

Nhận xét và đánh giá của khách hàng cũng hỗ trợ cho cả Single Product Schema Markup, và đó là những gì mà bạn sẽ tìm hiểu ở phần tiếp theo.

Thêm Schema Markup Single Product vào trang sản phẩm

Đây là phần thuộc Technical SEO của trang sản phẩm, nếu bạn không biết cách thực hiện thì bạn có thể liên hệ một nhà thiết kế web chuyên nghiệp để được hỗ trợ thêm Product Schema Markup vào trang sản phẩm.

Schema Markup là một khái niệm thuộc Technical SEO, nếu bạn không biết Schema Markup cũng như Technical SEO là gì, bạn có thể đọc bài viết này để biết thêm chi tiết.

Thông thường Schema Markup cho một trang sản phẩm cụ thể sẽ bao gồm những thông tin sau (những thông tin được hiển thị bằng code để hỗ trợ công cụ tìm kiếm):

  • Tên sản phẩm
  • Ảnh sản phẩm
  • Thương hiệu
  • Mô tả
  • Đánh giá sao (hay còn gọi là Aggregate Rating, Star Review,…)
  • Nhận xét của khách hàng (vì vậy mới nói bình luận và đánh giá của khách hàng rất quan trọng)

Bên dưới là đoạn mã Schema Markup cho một trang sản phẩm ví dụ, đây là trang sản phẩm được lấy làm ví dụ.

<script type="application/ld+json">
{
  "@context": "https://schema.org/", 
  "@type": "Product", 
  "name": "Desky Single Sit Stand Desk",
  "image": "https://cdn.shopify.com/s/files/1/0413/6714/2556/products/Desky-Single-Sit-Stand-Gaming-Desk-White-White_a3c72ba6-078b-4660-84e7-e26b2fc2fd31_1024x1024.jpg?v=1612153261",
  "brand": "Desky",
  "offers": {
    "@type": "AggregateOffer",
    "url": "https://desky.com.au/products/single-electric-sit-stand-desk",
    "priceCurrency": "AUD",
    "lowPrice": "549",
    "highPrice": "679"
  },
  "aggregateRating": {
    "@type": "AggregateRating",
    "ratingValue": "5",
    "bestRating": "5",
    "worstRating": "2",
    "ratingCount": "1",
    "reviewCount": "1"
  },
  "review": {
    "@type": "Review",
    "name": "Great customer service and perfect product",
    "reviewBody": "Finally decided to invest in an electric standing desk and so glad I did.
Idk how but Desky Single desk is 12kg (gross weight) lighter than a very similar product by a competitor so I went with Desky. Had a great customer experience, from fast courier shipping, to very convenient 24/7 live chat for idiots like me who had to ask questions even with instructions in front of them. 
Love that you don't need anything besides Phillips head screwdriver and Allen key to assemble. The only thing I'd change is the instructions regarding attaching the cable tray. In order to insert the crossbar screw between the cable tray and underside of the desk top I had to detach the tray, which I'd been instructed to attach earlier. The instructions also still advise you to use a drill to make holes in the desk top which no longer apply as the desk comes pre-drilled :) 
Overall very happy with my purchase and would highly recommend Desky customer service and products.",
    "reviewRating": {
      "@type": "Rating",
      "ratingValue": "5",
      "bestRating": "5",
      "worstRating": "2"
    },
    "author": {"@type": "Person", "name": "Melissa L."}
  }
}
</script>

Nếu bạn sử dụng công cụ Rich Results Test của Google và paste đoạn code trên vào để kiểm tra thì Google sẽ trả về kết quả hiển thị thành công, giống như thế này.

single product page trang sản phẩm schema markup rich results test
Kết quả kiểm tra Rich Results Test cho đoạn mã Schema Markup ví dụ trên

Khi bạn xem thử kết quả (Preview Results), nó sẽ hiển thị như ảnh bên dưới.

single product trang sản phẩm rich results preview

Tổng kết

Ngoại trừ làm theo các bước trong bài tối ưu Onpage và thêm Schema Markup vào trang sản phẩm thì các bước còn lại đã được đề cập trong bài viết này đều liên quan đến tối ưu hóa trải nghiệm người dùng nhiều hơn là tối ưu SEO thuần túy.

Bởi vì mục đích cuối cùng của website bán hàng online và bất kỳ trang sản phẩm nào là bán được hàng. Nếu bạn không tối ưu trải nghiệm người dùng cho khách hàng mua hàng từ cửa hàng online của bạn thì liệu tối ưu SEO thuần túy còn có ý nghĩa gì, đúng không?

Vì vậy, hãy tập trung vào nơi có tiền trước (chính là khách hàng của bạn) rồi hẵng tối ưu SEO sau cũng chưa muộn.

Sau đây là tóm tắt cho các bước tối ưu SEO cho trang sản phẩm (cho bất kỳ phần mềm quản lý bán hàng nào như WooCommerce, Shopify, Haravan, Sapo,…):

  • Đầu tư tối đa vào hình ảnh sản phẩm
  • Tối ưu Onpage
  • Mô tả chi tiết sản phẩm
  • Hiển thị nhận xét và đánh giá của khách hàng trong trang sản phẩm
  • Thêm Single Product Schema Markup